Huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị

  

Thu hút vốn từ cộng đồng là một trong những giải pháp quan trọng.

Trước thực trạng trên, ngày 16/01/2012, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Để triển khai Nghị quyết, ngày 08/06/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư. Trong đó, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng xây dựng đề án “Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn đô thị”.

Theo đề án, các nguồn lực được huy động để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn (CTR), sinh hoạt đô thị nói riêng bao gồm nguồn lực về vốn đầu tư; về lợi thế của điều kiện tự nhiên, đất đai; về cơ chế, chính sách; về con người và về khoa học công nghệ. Trong đó, nguồn lực về vốn là một trong những giải pháp quan trọng nhất của đề án.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng Cao Lại Quang: “Trong tương lai, chúng ta phải chú trọng các giải pháp thu hút nguồn vốn từ cộng đồng đầu tư vào lĩnh vực cấp thoát nước và xử lý CTR, sinh hoạt đô thị nhằm hạn chế dần sự lệ thuộc vào ngân sách Nhà nước trong đầu tư lĩnh vực này, đồng thời coi đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất của đề án huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực cấp thoát nước và xử lý CTR ở Việt Nam”.

Để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước thoát nước và xử lý CTR sinh hoạt đô thị một cách hiệu quả, Đề án đã đưa ra nhóm giải pháp cụ thể.

Trong đó, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo và cộng đồng dân cư có trách nhiệm tham gia để đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý CTR sinh hoạt đô thị.

Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và khai thác, vận hành hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý CTR sinh hoạt đô thị; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của nhà đầu tư và của người sử dụng dịch vụ; đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.

Người sử dụng dịch vụ cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị phải có trách nhiệm chi trả kinh phí tương ứng với số lượng và chất lượng dịch vụ được thụ hưởng. Nhà nước có chính sách phù hợp để hỗ trợ các đối tượng thuộc diện hưởng chính sách xã hội.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết: Nhu cầu cho đầu tư phát triển lĩnh vực cấp nước, xử lý CTR sinh hoạt, thoát và xử lý nước thải đô thị là rất lớn, ước tính đến năm 2020 nhu cầu vốn cần khoảng gần 200 nghìn tỷ VNĐ, tương đương với 9 tỷ USD (mỗi năm khoảng 1,2 – 1,3 tỷ USD).

Trong xu thế huy động nguồn vốn từ ODA sẽ khó khăn và giảm dần, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp thì việc tăng cường huy động các nguồn vốn từ tư nhân để tạo thêm một nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này là hết sức quan trọng.

Sự tham gia của kinh tế tư nhân không chỉ giảm áp lực cho ngân sách, chia sẻ trách nhiệm đóng góp nguồn lực cho đầu tư phát triển mà còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí tối thiểu trong quản lý vận hành, đáp ứng nhu cầu tối đa có thể cho xã hội.

Nguồn: Báo Xây dựng

Bình luận
Tin liên quan