Doanh nghiệp VLXD chủ động tự tháo gỡ khó khăn

Công bố mới của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 5, VLXD nằm trong nhóm hàng hóa dịch vụ tăng giá mạnh nhất, đạt mức 0,43%. Nguyên nhân do các loại VLXD chủ đạo như xi măng, sắt thép, gạch ốp lát có nhu cầu tăng đột biến, lượng tiêu thụ hàng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2013. Không chỉ vậy, Vụ Vật liệu xây dựng của Bộ Xây dựng cũng đưa dự báo lạc quan về sức mua VLXD trong thời gian tới. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp tham gia Triển lãm Vietbuild 2014 vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh lại phản ánh sự thật khác. Nhiều đơn vị cho biết, sản lượng sản phẩm bán ra trong 6 tháng qua giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, do thị trường bất động sản vẫn trì trệ.

Ngoài doanh nghiệp trong nước khó khăn, thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng chung tình cảnh này. Ví dụ như Công ty TNHH Taicera Keraben (liên doanh với Tây Ban Nha) dự kiến, sẽ giảm 40% sản lượng gạch ceramic bán ra trong năm 2014. Đại diện Công ty Taicera Keraben cho biết, các dự án nhà ở đang trong quá trình hoàn thiện trên thị trường không nhiều, lượng nhà ở bán được lại càng ít, nên nhiều vật liệu trang trí, gạch men và các sản phẩm gốm sứ bán chậm. Ngoài ra, số lượng sản phẩm bán ra của doanh nghiệp VLXD giảm cũng do họ phải tăng giá bán khi chi phí vận tải tăng lên.


Nhóm vật liệu xây dựng đã trở thành nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá mạnh nhất trong tháng 5.

Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Trần Văn Huynh cho rằng, thị trường VLXD phụ thuộc khá lớn vào thị trường bất động sản, nên nếu đầu ra chưa khởi sắc thì khó có sự thay đổi lớn trong thời gian tới. Dù thị trường VLXD đã dần ổn định trong những tháng đầu năm 2014, thì cũng chưa thể lạc quan. Bởi trong năm 2011, sản lượng xi măng tiêu thụ thực tế trên cả nước là đạt khoảng 49 triệu tấn, song trong năm 2012 và 2013 chỉ đạt từ 45-46 triệu tấn. Dự kiến, sản lượng VLXD được tiêu thụ cũng tăng không đáng kể trong năm 2014.

Thực tế, một số doanh nghiệp vẫn giữ vững sản lượng hàng hóa bán được, thậm chí còn tăng nhẹ do đã biết chuyển đổi mô hình sản xuất từ sản phẩm cao cấp sang sản phẩm bình dân, thích ứng với khách hàng tại nhiều địa phương. Do nhu cầu sử dụng VLXD tại các địa phương này vẫn khá cao, nên doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu của thị trường này sẽ giữ sản lượng hàng hóa bán ra. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng xúc tiến xuất khẩu VLXD sang thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí là sang thị trường xa như châu Phi. Doanh nghiệp đã chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ, không ỷ lại vào chính sách phục hồi thị trường bất động sản của Chính phủ.

Ngành VLXD phụ thuộc vào thị trường bất động sản, nên một số ý kiến cho rằng, doanh nghiệp sản xuất loại hàng hóa này cần ngồi lại với các chủ đầu tư bất động sản để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Sự liên kết này có thể bảo đảm khả năng tiêu thụ cho sản phẩm VLXD đồng thời tiết kiệm được chi phí xây dựng cho các công trình. Và VLXD trong nước đang phải cạnh tranh khắc nghiệt với hàng hóa nhập khẩu, nên trước hết vẫn phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp VLXD trong nước với nhau, và liên kết với chủ đầu tư bất động sản để phục hồi sản xuất, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa.

Nguồn: ximang.vn/Đại biểu nhân dân

Bình luận
Tin liên quan