Giải phóng hàng tồn kho, duy trì sản xuất
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ trong nửa cuối tháng 9-2014, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 1 triệu tấn clinker và xi măng, nâng tổng sản lượng xuất khẩu clinker và xi măng trong 9 tháng đầu năm lên 16,1 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 700 triệu USD. Cũng trong 9 tháng, Việt Nam xuất khẩu được 1,9 triệu tấn sắt thép các loại với tổng kim ngạch đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) “đau ốm” dài ngày kéo theo sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ của ngành VLXD, xuất khẩu được nhìn nhận như là hướng đi đúng, không chỉ giúp DN giải phóng hàng tồn kho mà còn đem lại lợi nhuận, tăng nguồn thu ngoại tệ, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh.
Tiên phong trong xuất khẩu VLXD thời gian qua phải kể đến các DN thuộc lĩnh vực gốm sứ. Hiện các sản phẩm gốm sứ xây dựng của Việt Nam đã có mặt trên 40 quốc gia trên thế giới với những DN xuất khẩu tiêu biểu như: Viglacera, Vinaconex, Taicera, ToTo… Ông Lê Hồng Phong, Giám đốc Ban Thương mại Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng Việt Nam (Viglacera) cho biết: Hết tháng 9-2014 kim ngạch xuất khẩu của Viglacera đạt 27 triệu USD, dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2014 ước đạt 31,5 triệu USD. Mục tiêu xuất khẩu của Viglacera đặt ra là tăng trưởng doanh thu xuất khẩu 25% qua từng năm và đến năm 2017 doanh thu xuất khẩu đạt 75 triệu USD.
Thực tế là thời gian qua, hầu hết DN đi đầu trong xuất khẩu là những DN lớn, có tiềm lực sản xuất ra những sản phẩm tốt, có sức cạnh tranh. Những DN này đều sớm nhận thức vai trò quan trọng của xuất khẩu, có sự đầu tư tìm hiểu thị trường và có chiến lược xuất khẩu dài hạn.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội VLXD Việt Nam Trần Văn Huynh nhận định: Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng VLXD nói chung đang tăng nhanh từ năm 2013 đến nay. Điều này đã góp phần giúp các DN giải phóng được lượng hàng tồn kho, duy trì sản xuất và công ăn việc làm cho người lao động.
Con đường phải đi
Về lý thuyết, xuất khẩu là hoạt động đem lại lợi nhuận cao, tăng trưởng bền vững không chỉ cho DN mà cả nền kinh tế. Trong xu thế hội nhập sâu rộng, xuất khẩu không phải là việc mà DN được phép lần lữa, bởi đó là con đường phải đi. Còn liệu đó có phải là “con đường sáng” hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là sự chủ động của DN.
Hiện VLXD là ngành có tốc độ phát triển mạnh và nhu cầu đa dạng, đặc biệt là nhu cầu về các sản phẩm chất lượng cao. Đây là yếu tố thuận lợi cho các DN VLXD trong quá trình đáp ứng nhu cầu NK của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển. Song nó cũng là thách thức khi hiện nay, mặc dù xuất khẩu VLXD đang tăng trưởng tốt, có khối lượng xuất khẩu lớn, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, nhìn chung giá trị sản phẩm còn thấp, làm giảm khả năng cạnh tranh so với các nước. Cụ thể, chất lượng, mẫu mã, chủng loại sản phẩm còn chưa có sức cạnh tranh, giá bán còn cao so với sản phẩm cùng loại của các nước.
Theo ông Huynh cho rằng “không chỉ xuất khẩu sản phẩm tồn kho, mà DN VLXD cần hướng tới xuất khẩu vào các thị trường cao cấp với các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt. Đây là vấn đề mấu chốt”. Muốn vậy, các DN phải có chiến lược đầu tư để làm những mặt hàng xuất khẩu chất lượng cao, được thị trường quốc tế ghi nhận. Đây là mục tiêu hướng tới của ngành VLXD.
Bên cạnh đó, các DN cần chủ động xây dựng mạng lưới đầu tư và phân phối, hình thành các tổ hợp sản xuất – kinh doanh có đủ sức mạnh tài chính để hòa nhập vào thị trường quốc tế, đồng thời tránh hiện tượng tranh mua tranh bán lẫn nhau.
Để giúp DN xây dựng được mạng lưới này, đại diện Hiệp hội VLXD Việt Nam cho rằng Bộ Công Thương mà đại diện là Cục Xúc tiến thương mại cần có chiến lược, tổ chức mạng lưới đồng bộ, là cầu nối giúp các DN có cơ hội tiếp cận các thị trường mới hiệu quả nhất. Cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho xuất khẩu VLXD được đánh giá là còn hạn chế do nguồn lực tài chính có hạn, chưa có khả năng đầu tư đúng mức cho công tác xúc tiến thương mại.
Thời gian qua, bên cạnh việc các DN chưa mạnh dạn tìm kiếm thị trường xuất khẩu thì khó khăn lớn của các DN VLXD là phải đối mặt với các biện pháp (chống bán phá giá, tự vệ thương mại…) ở nước nhập khẩu. “Hiện nay các DN thép trong nước đang đối mặt với việc Bộ Thương mại Indonesia ra quyết định áp thuế tự vệ thương mại đối với ngành tôn mạ với mức thuế 50% giá bán. Các DN tôn mạ đã họp bàn và thống nhất kiện Bộ Thương mại Indonesia về quyết định này”, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép thông tin. Theo ông Sưa, DN VLXD phải cố gắng mở rộng thị trường, nhưng đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, hiểu biết sâu rộng về thị trường ấy. Ví dụ thị trường châu Phi, là thị trường mà pháp luật chưa hoàn thiện, hệ thống thanh toán có nhiều khác biệt, dẫn đến nguy cơ rủi ro…
Nguồn: VLXD.org/Báo Hải quan