Những năm trước, vì lo ngại nguồn cung xi măng “dội chợ” nên nhiều doanh nghiệp loay hoay tìm hướng xuất khẩu và Chính phủ cũng nhiều lần điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp. Thế nhưng gần đây, khi thị trường xi măng vừa có dấu hiệu phục hồi, nhiều ý kiến lại lo ngại thị trường có thể chứng kiến một cuộc khủng hoảng thiếu xi măng.
Luồng ý kiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung xi măng trong một vài năm tới, trước hết do lượng xi măng tồn kho tháng 3 đã giảm rất mạnh, gần 97% so với tháng liền trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ước đạt 21 triệu tấn, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2013. Dự kiến sản lượng xi măng năm 2015 có thể chỉ đạt khoảng 83 triệu tấn/năm, giảm tới gần 12 triệu tấn so với Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Trong khi đó, đầu năm nay, Chính phủ đã mạnh tay loại bỏ 9 dự án không khả thi ra khỏi quy hoạch và từ nay đến hết năm 2015 sẽ không có dự án mới nào đưa vào hoạt động. Mặt khác, Bộ Xây dựng cũng tiếp tục rà soát để đưa ra khỏi quy hoạch một số dự án xi măng không đủ điều kiện đầu tư và giãn tiến độ một số dự án…
Hiện nay vấn đề quy hoạch được đặt lên hàng đầu đảm bảo ổn định cung – cầu xi măng trong nước về lâu dài.
Trên thực tế, tính từ năm 1997, thời điểm Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp xi măng đến 2010, đến nay quy hoạch này đã điều chỉnh 5 lần. Đặc biệt, năm 2005, do thiếu xi măng nên phải tiếp tục điều chỉnh. Vì vậy, nếu như năm 2007, nguồn cung thấp hơn cầu gần 10 triệu tấn, cả nước phải nhập khẩu gần 9 triệu tấn thì từ năm 2009 đến nay, lượng xi măng sản xuất trong nước đã đáp ứng được nhu cầu nội địa và có một phần xuất khẩu. Còn riêng năm 2013, tổng công suất của 71 nhà máy xi măng vẫn đạt 73 triệu tấn, trong khi lượng tiêu thụ mới đạt 67 triệu tấn.
Ngoài ra, khi nhu cầu trong nước tăng trở lại, một lượng xi măng xuất khẩu sẽ ngay lập tức trở lại phục vụ nhu cầu trong nước. Bởi hầu hết các doanh nghiệp xem thị phần nội địa là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã giãn tiến độ một số dự án xi măng, nhưng trong trường hợp thị trường tốt lên, có thể sẽ được phép triển khai lại để bù vào nguồn cung thiếu hụt trong tương lai. Thêm nữa, theo kinh nghiệm, khi thị trường ấm, tiêu thụ tốt lên, năng lực sản xuất xi măng hiện hữu của chúng ta có thể khai thác được 100% công suất.
Chưa kể, hiện tại mặc dù tình hình thị trường trong nước không thiếu xi măng, nhưng vẫn có những doanh nghiệp nhập khẩu clinker và xi măng đóng bao từ nước ngoài với lý do xi măng nhập ngoại rẻ hơn xi măng sản xuất trong nước. Đây là một nghịch lý mà nếu không giải quyết được sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước. Qua đây cho thấy, sẽ rất khó xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung xi măng trong vài năm tới. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý và thực hiện quy hoạch ngành xi măng, việc đưa ra khỏi quy hoạch những dự án quá chậm trễ, dẫn tới lạc hậu về công nghệ là cần thiết. Bên cạnh các tiêu chí khác như: Giãn tiến độ những dự án xi măng do chủ đầu tư chưa đủ năng lực, cũng như xem xét điều chỉnh sớm tiến độ đối với một vài dự án khi chủ đầu tư có đủ năng lực về tài chính; có biện pháp kịp thời nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu clinker và xi măng đóng bao từ nước ngoài… Từ đó, đưa ngành xi măng thoát vòng luẩn quẩn, phù hợp nhằm đảm bảo cân đối cung cầu lâu dài cho thị trường.
Nguồn: ximang.vn/SGGP