Thị trường xi măng Việt Nam: Doanh nghiệp nước ngoài muốn thâu tóm?

Muốn thâu tóm thị trường?

Theo Chủ tịch HĐTV TCty Công nghiệp Xi măng (Vicem) Lương Quang Khải, nhìn nhận từ kinh nghiệm các quốc gia đi trước cho thấy: Tham vọng của các Tập đoàn lớn xuyên quốc gia là thâu tóm, điều phối thị trường xi măng (XM).

“Vừa qua Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ…, các tập đoàn xuyên quốc gia thâu tóm XM Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ và họ điều phối. Bên cạnh cái lợi là họ mang vào nguồn vốn, tiến bộ kỹ thuật, tạo điều kiện học tập và buộc chúng ta phải nỗ lực cạnh tranh để lớn lên thì điều đáng lo hơn cả là họ mua nhà máy, thôn tính thị trường, cố gắng điều hòa giá cả. Nếu giá không thay đổi, họ sẽ mang XM ra nước ngoài, chúng ta sẽ không thu được mấy về tài nguyên. Khi đó, chính sách điều tiết thị trường của chúng ta sẽ rất khó. Chúng ta chỉ làm thuê cho họ thôi” – ông Khải chia sẻ trăn trở.

Và trong câu chuyện thị trường “nơi biển lớn”, tình trạng “cá lớn” nuốt “cá bé” là bình thường. XM cũng không nằm ngoài quy luật đó. Ông Khải cho biết: Cách thao túng trong lĩnh vực XM rất đơn giản. Một số nhà máy tỷ lệ vốn chủ trên tổng tài sản thấp, phải đi vay ngân hàng nhiều, DN không ngóc đầu lên được. Họ đợi DN sập tiệm, rồi o ép, mua lại, sau đó tăng quy mô và chiếm thị phần. Thực tế chuyện đó đã xảy ra.

Thời gian qua, một số nhà máy XM làm ăn thua lỗ như XM Cẩm Phả, XM Hạ Long, XM Đồng Bành… đã trở thành “đích ngắm” của nhiều DN nước ngoài.

DN nội không kém DN ngoại

Phân tích các lợi thế đầu tư XM cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn xuyên quốc gia luôn muốn thâu tóm thị trường XM Việt Nam. Nhưng ông Khải cho rằng: Phải ủng hộ các DN trong nước, vì mua nhà máy là mua kèm luôn tài nguyên mỏ. Đối với những ngành công nghệ cao, những ngành chúng ta chưa thể làm được thì nên kêu gọi đầu tư, nhưng đến giờ ngành XM Việt Nam đã làm được rất tốt. Nếu đánh giá hiệu quả thì những DN Việt Nam như Hoàng Thạch… không thua kém bất kỳ DN liên doanh nào trên nước mình, thậm chí một số chỉ số còn tốt hơn.

Theo ông Khải, chúng ta nên giữ tỷ lệ đầu tư nước ngoài hợp lý trong lĩnh vực XM để tăng thêm tính cạnh tranh giữa các DN, vừa giúp đất nước, vừa giúp cho DN phát triển. Các nước đều giữ tỷ lệ cơ cấu vốn nước ngoài và nhà máy nước ngoài bao nhiêu, vốn trong nước và các nhà máy trong nước bao nhiêu để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, tránh thâu tóm và nâng cao hiệu quả chung của toàn xã hội.

Ông Khải nhấn mạnh: Nắm bắt được thực tế đó, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã có hướng xử lý rất tốt như XM Cẩm Phả đã chuyển cho Viettel…

Hình thành tổ hợp lớn

Trong bối cảnh thị trường kinh doanh VLXD gặp nhiều khó khăn, XM vẫn được coi là mảng sáng mà lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khá. Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐTV Vicem, nếu nói ngành XM là ngành có lợi nhuận cao thì không phải. Nó chỉ lợi nhuận với những đơn vị có tiềm năng về kỹ thuật, có hệ thống phân phối, hệ thống tài chính vững, hệ thống logistic thương hiệu… Lợi nhuận DN XM sẽ tùy thuộc vào đơn vị vay vốn nhiều hay ít, chi phí tài chính nhiều hay ít. Với những DN nhỏ lẻ, hệ thống phân phối không có, tiêu thụ nhiên liệu lớn, chi phí tài chính cao… thì rất khó có lợi nhuận.

Ông Khải dẫn chứng: Có những đơn vị như XM Hoàng Thạch, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu lên tới 14%, nhưng có những đơn vị thì chỉ có vài %, thậm chí có DN vay vốn đầu tư lớn, chi phí tài chính cao thì lợi nhuận còn là con số âm…

Theo Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Trần Văn Huynh, hiện nay nước ta có hơn 40 Cty sản xuất kinh doanh XM, lắm thương hiệu, lắm đầu mối, chỉ có Vicem có công suất hơn 20 triệu tấn/năm. Bởi vậy, cần sớm hình thành các tổ hợp sản xuất XM lớn của Việt Nam, đủ sức mạnh cạnh tranh, làm chủ thị trường XM Việt Nam.

Nguồn: Báo  Xây dựng

Bình luận
Tin liên quan