Tái cấu trúc ngành xi măng để phát triển bền vững (P2)

>> Tái cấu trúc ngành xi măng để phát triển bền vững (P1)

Loại các dự án không đạt yêu cầu

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý loại bỏ 5 nhà máy xi măng ra khỏi Quy hoạch, bao gồm: nhà máy xi măng Cao Dương, Chợ Mới, Việt Đức, Long Thọ và Ngân Sơn. Cùng với quyết định này, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý hoãn triển khai 9 dự án gồm: Thanh Sơn, Tân Phú Xuân, Tân Tạo, Yến Mao, Sài Gòn Tân Kỳ, Phú Sơn, Mỹ Đức, Nam Đông, Minh Tâm.


Các dự án xi măng có công suất dưới 2.500 tấn clinker/ngày sẽ không được cấp phép xây dựng nhằm đảm bảo hiểu quả đầu tư.
Trước đó, vào tháng 7/2014, Bộ Xây dựng đã gửi đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ về việc đưa ra khỏi Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng một số dự án không bảo đảm tiến độ thi công, xây dựng. Cũng theo Bộ Xây dựng, hầu hết các dự án  này đều là dự án xi măng lò quay có công suất nhỏ (dưới 2.500 tấn clinker/ngày), đến nay đã lạc hậu về các chỉ tiêu như tiêu hao năng lượng cao và các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường không bảo đảm… Đối với các dự án xi măng bị loại, đa số đều không đạt yêu cầu do chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, triển khai chậm tiến độ.

Thực tế phát triển ngành trong giai đoạn trước 2009, Việt Nam thiếu xi măng nên các địa phương đã khuyến khích đầu tư, phát triển nhiều dự án xi măng. Hậu quả là tại thời điểm hiện nay, có khá nhiều dây chuyền xi măng công nghệ cũ với công suất nhỏ chỉ khoảng 120.000 tấn/năm, không đủ năng lực cạnh tranh. Do vậy, trong thời gian tới, theo các chuyên gia, cần tiếp tục rà soát và loại bỏ bớt các dự án xi măng không đạt yêu cầu và nhìn thấy thiếu hiệu quả.

Cổ phần hóa triệt để

Ngày 18/7, Bộ Xây dựng đã có Quyết định 921/QĐ-BXD về việc thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam và 3 Công ty con TNHH MTV xi măng Vicem Hoàng Thạch, xi măng Vicem Hải Phòng, xi măng Vicem Tam Điệp cổ phần hóa cùng Công ty mẹ, đây là những doanh nghiệp cuối cùng chưa CPH của ngành xi măng.


Tái cấu trúc ngành xi măng là định hướng đúng đắn tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp xi măng.

Với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Xây dựng, nhằm thực hiện chủ trương cổ phần hóa của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu chung, nhưng cũng góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình tái cấu trúc ngành xi măng, đưa ngành công nghiệp này về những hoạt động chuẩn mực chung của thị trường, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Mặt khác, CPH sẽ thay máu cho các hoạt động quản trị và điều hành doanh nghiệp xi măng theo hướng hiệu quả hơn, thực chất hơn.

Sẵn sàng gia nhập AEC

Đứng trước thềm năm 2015, hình thành khối cộng đồng chung AEC, các doanh nghiệp xi măng sẽ đứng trước những vận hội và thử thách vô cùng to lớn. Do vậy, song song với các biện pháp nêu trên, để đạt được các mục tiêu của Quy hoạch, phát triển một ngành công nghiệp xi măng tiên tiến, hiện đại bắt kịp trình độ khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới, đủ khả năng cạnh tranh, đòi hỏi các doanh nghiệp xi măng phải tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật lành nghề, đội ngũ kỹ sữ, tư vấn, thiết kế, nghiên cứu ứng dụng…

Mặt khác, các doanh nghiệp xi măng cần có định hướng, đào tạo các nhà quản lý, quản trị kinh doanh trình độ cao, nhất là trong lĩnh vực quản trị chiến lược, thương hiệu, marketing… để có thể tự tin đưa ra thị trường sản phẩm xi măng chất lượng cao, đáp ứng không những đối với thị trường trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới.

Nguồn: ximang.vn

Bình luận
Tin liên quan