Không tiêu thụ được sản phẩm
Theo ông Trần Văn Huynh – Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, chương trình phát triển vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đã được các nhà đầu tư hăng hái hưởng ứng. Sau gần 4 năm thực hiện, đến nay đã có 12 nhà máy gạch bê tông khí chưng áp, công suất mỗi cơ sở từ 100 – 300m3/năm, với tổng công suất 1,95 triệu m3/năm và 30 cơ sở sản xuất bê tông bọt với tổng công suất là 0,473 triệu m3/năm, đưa tổng công suất bê tông nhẹ lên 2,423 triệu m3/năm, đã đưa vào sản xuất (tương đương 1,696 tỷ viên gạch quy tiêu chuẩn – QTC).
Bên cạnh đó, các DN đã đầu tư hàng loạt cơ sở sản xuất gạch xi măng cốt liệu có công suất từ 7 – 35 triệu viên gạch QTC và hơn 1 nghìn cơ sở sản xuất nhỏ có công suất 2 – 5 triệu viên QTC/năm đưa tổng công suất gạch xi măng cốt liệu lên trên 4,5 tỷ viên QTC/năm. Về công suất đến nay, VLXKN đã chiếm tỷ lệ 27% trên tổng số vật liệu xây.
Trong mấy năm qua, các nhà sản xuất đã không ngừng nghiên cứu công nghệ, đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc đầu tư không theo quy hoạch tập trung ở một số vùng gây khó khăn cho việc vận chuyển đến nơi sử dụng, nâng giá lên cao, nơi thừa nơi thiếu, việc tiêu thụ, sử dụng VLXKN vào công trình xây dựng còn rất hạn chế, không tương xứng với năng lực đã được đầu tư, chỉ chiếm khoảng 50%, riêng bê tông nhẹ chỉ khai thác dưới 15% công suất.
Năm 2013, các DN sản xuất VLXKN xuất khẩu được 110 nghìn m3, với kim ngạch xuất khẩu trên 5,5 triệu USD. Một số Cty đã phải dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng theo đơn đặt hàng, lo giải phóng hàng tồn kho từ trước…
Còn theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội thì, trên địa bàn Hà Nội hiện có 8 cơ sở sản xuất VLXKN (quy mô công nghiệp, công suất từ 35 – 65 triệu viên QTC/năm), đang hoạt động với tổng công suất khoảng 260 triệu viên QTC/năm. Hầu hết các cơ sở này gặp nhiều khó khăn, không phát huy hết công suất do không tiêu thụ được sản phẩm.
Lý giải sự ảm đạm của thị trường VLXKN, ông Huynh cho rằng, nguyên nhân chính là do Chương trình 567 ra đời vào đúng lúc kinh tế suy thoái, đầu tư công bị cắt giảm, thị trường BĐS đóng băng, thị trường VLXD nói chung bị thu hẹp, kể cả đối với gạch đất sét nung. Việc thực thi các chính sách, chế độ ưu đãi phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN chưa được tuân thủ triệt để, nhiều địa phương chưa có lộ trình tích cực xóa bỏ lò gạch thủ công.
Đội ngũ kỹ thuật thiếu chuyên nghiệp
Ông Hà Ngọc Hồng – Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong quá trình thi công, việc sử dụng VLXKN gặp một số hạn chế như: Việc lưu giữ vật liệu trên công trường khi gặp mưa sẽ bị hút nước, tăng khối lượng viên gạch và rất lâu khô, gây khó khăn cho công tác hoàn thiện (sơn, trát). Trong khi đó, việc thi công phần xây bằng VLKN nhẹ (loại bê tông khí chưng áp hoặc bê tông bọt) đòi hỏi người thợ có tay nghề nhất định và cần được hướng dẫn kỹ thuật thi công đặc biệt là khâu hoàn thiện. Điều này khó thực hiện đối với các công trình của các hộ dân.
Chưa kể, có một số DN kiến nghị chỉ sử dụng các loại VLXKN trong các công trình nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp; các công trình chung cư có mức đầu tư trung bình, cần cân nhắc khi sử dụng trong các công trình cao cấp.
Tuy nhiên, theo ông Hồng, vấn đề cản trở nhất đối với việc sử dụng VLXKN chính là thói quen, truyền thống sử dụng gạch đất sét nung (gạch đỏ) của nhân dân; các chủ đầu tư chưa tin tưởng vào chất lượng của sản phẩm (trên thực tế chất lượng sản phẩm gạch không nung cũng cần được nâng cao hơn nữa).
Như vậy, mặc dù Chính phủ, Bộ Xây dựng, TP Hà Nội, Sở Xây dựng đã có những văn bản chi đạo, quy định hướng dẫn thực hiện sản xuất và sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng nhưng đến nay, việc sử dụng vật liệu này còn rất hạn chế; việc xóa bỏ sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn của các huyện.
Để phát triển bền vững sản xuất và sử dụng VLXKN, một số chuyên gia ngành Xây dựng cho rằng, các DN phải đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ tiên tiến; nhà cung ứng bê tông nhẹ phải cung cấp đồng bộ vữa xây, vữa trát chuyên dụng phù hợp với chất lượng bê tông; phải tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề am hiểu về kỹ thuật xây, trát, nghiệm thu tường xây… Bên cạnh đó, cần hoàn chỉnh, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật thi công, các định mức, đơn giá liên quan đến việc sản xuất và sử dụng các chủng loại VLXKN để có cơ sở áp dụng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thiết kế, chủ đầu tư và nhà thầu trong việc đưa các loại sản phẩm này vào công trình.
Đặc biệt, nhà thầu xây dựng phải tuân thủ đầy đủ và nghiêm chỉnh các quy định của thiết kế, tuân thủ kỹ thuật thi công xây trát, nghiệm thu công trình xây dựng bằng sản phẩm AAC… Đây là giải pháp quan trọng, bảo đảm chất lượng công trình, tạo dựng thị trường VLXKN phát triển bền vững.
Nguồn: ximang.vn/Báo Xây dựng