Ngành Xi măng vẫn đảm bảo cán cân cung – cầu

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 4 tháng đầu năm, lượng xi măng tiêu thụ trên cả nước tăng vọt. Cụ thể, tồn kho xi măng cả nước tháng 3 giảm đến 96,96% so với tháng 2, xi măng tiêu thụ tháng 4 đã đạt 111% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu tính cả 4 tháng đầu năm, tiêu thụ xi măng đạt 21,05 triệu tấn, bằng 120,3% so với cùng kỳ năm 2013 và đạt 34% kế hoạch năm 2014. Riêng tại thị trường nội địa, tiêu thụ đạt 107,5% so với cùng kỳ.

Nhiều dự án không được triển khai

Bên cạnh đó, tồn kho cả nước tháng 4 là 2,59 triệu tấn, chủ yếu là clinker, cũng chỉ nằm ở mức 12 ngày sản xuất. Đây là số sản phẩm luân chuyển bắt buộc trong sản xuất. Theo quy hoạch phát triển ngành Xi măng, giai đoạn 2012 – 2015 sẽ có 24 dự án xi măng đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế 24,76 triệu tấn xi măng/năm.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, phần lớn các dự án trên đều chậm tiến độ, chỉ có khoảng 8 dự án có thể cán đích với việc hoàn thành phần xây dựng với công suất khoảng 10,88 triệu tấn, còn lại 16 dự án không thể hoàn thành.

Như vậy, mục tiêu đến năm 2015 cả nước sẽ có 91 dự án xi măng vận hành với tổng công suất 94,2 triệu tấn như quy hoạch đã được phê duyệt có thể coi đã “đổ bể”, bởi sau khi rà soát và điều chỉnh, số dự án khả thi đi vào vận hành vào năm 2015 chỉ còn 76 dự án với tổng công suất 82,6 triệu tấn, giảm 11,6 triệu tấn.

Đánh giá về cung cầu xi măng hiện nay, ông Trần Ngọc Thành, Tổng Giám đốc Công ty CP Đất Xanh miền Trung, lưu ý rằng với dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng khoảng 7 – 10%/năm, nếu nhiều nhà máy xi măng tiếp tục sản xuất theo kiểu cầm chừng như hiện nay thì chỉ trong 2 – 3 năm tới, có thể thị trường lại chứng kiến một cuộc khủng hoảng thiếu xi măng. “Như vậy, với những khu vực xa nhà máy xi măng, nếu giá xi măng tiếp tục lên “cơn sốt”, DN xây dựng sẽ chịu lỗ, người tiêu dùng phải mua xi măng giá đắt…”, ông Thành nói.

Còn theo ông Hữu Trung, Giám đốc Công ty Xi măng miền Trung tại Đà Nẵng, theo phản ánh của các nhà phân phối ở một số địa phương, tình hình khan hiếm xi măng là có thật. Do nhu cầu tăng đột biến trong những tháng đầu năm 2014, bởi tình hình kinh tế đang phục hồi rõ nét nên việc xây dựng cũng bắt đầu phát triển mạnh trở lại, các công trình xây dựng được Nhà nước tiếp tục đầu tư, nhà tư nhân cũng phát triển mạnh, cùng với thị trường BĐS đang có dấu hiệu phục hồi nền xi măng được sử dụng nhiều hơn những năm trước đây.

Chưa kể đầu năm 2014, Chính phủ đã mạnh tay loại bỏ 9 dự án không khả thi ra khỏi quy hoạch, năm 2015 sẽ không có dự án mới nào được đưa vào hoạt động. Do suy thoái kinh tế, nhiều chủ dự án tuy đăng ký đầu tư và được đưa vào qui hoạch nhưng lại không có khả năng triển khai vì thiếu vốn. Trên thực tế, những dự án theo kiểu “xí phần” như vậy tương đối nhiều. Lý do Chính phủ loại bỏ 9 dự án xi măng này là nhiều nhà đầu tư không có khả năng tài chính để triển khai dự án.

Ông Trần Văn Đương, Vụ trưởng (Văn phòng Chính phủ), lý giải, do vốn đầu tư 1 nhà máy xi măng rất nặng, nhất là việc mua thiết bị. Trước đây, Chính phủ bảo lãnh phần vốn này nên DN đầu tư không có gì phức tạp. Nhưng khi Chính phủ không bảo lãnh cho phần đầu tư này nữa thì khó khăn xuất hiện với hầu hết các dự án xi măng.


Chưa có đủ căn cứ khẳng định xi măng không đủ cung trong 2, 3 năm tới.

Một số nhà thầu xây dựng lớn cho rằng đã đến lúc phải cảnh báo nguy cơ thiếu xi măng để điều chỉnh tổng năng lực sản xuất chung của cả nước, nếu không bất lợi sẽ hoàn toàn rơi vào người tiêu dùng. Tất nhiên, lúc đó, các DN sản xuất xi măng sẽ là người hưởng lợi. Để xây dựng và đưa vào vận hành 1 nhà máy xi măng trong điều kiện lý tưởng thì cũng phải mất thời gian khoảng 3 năm. Do vậy, để giải quyết được nguy cơ khủng hoảng thiếu xi măng, dự kiến sẽ xảy ra sau 2 – 3 năm nữa, Chính phủ cần hành động ngay từ bây giờ.

Tuy nhiên, ông Trương Phú Cường, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng Tp.HCM (Saca), cho rằng nếu chỉ nhìn vào số liệu lượng tiêu thụ tăng và lượng xi măng tồn kho của các nhà máy giảm mà cho rằng thị trường BĐS đang vực dậy là chưa có đủ căn cứ. Bởi thời gian qua, do áp lực tồn kho, phần lớn các nhà máy đã phải tiết giảm tối đa công suất hoạt động. Nhiều nhà máy chỉ sản xuất cầm chừng 30 – 40% công suất, thậm chí chịu bán lỗ để đẩy hàng đi.

Theo Ts. Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, sau khủng hoảng bao giờ cũng đến thời kỳ thái lai, tức là sau khó khăn sẽ đến thời kỳ kinh tế phát triển lên và ngành Xi măng có thể coi là sắp bước vào giai đoạn này. Chính vì vậy, sẽ có những lo ngại về việc thiếu xi măng sau một thời gian dài các nhà máy xi măng lao đao, thậm chí đình hoãn sản xuất vì thiếu vốn. Nhưng trong ngắn hạn, điều này khó xảy ra.

Trên thực tế, vài năm qua, do ngành Xây dựng và bất động sản gặp khó, nhiều nhà máy đã cắt giảm mạnh sản lượng sản xuất so với thiết kế ban đầu. Tính đến năm 2012, tổng công suất của các nhà máy trong nước là 68,5 triệu tấn trong khi theo hãng nghiên cứu thị trường Anh Business Monitor International, tổng sản lượng chỉ đạt 47,9 triệu tấn, tức trung bình, các nhà máy chỉ chạy khoảng 70% công suất thiết kế. Đến năm 2013, tình hình cũng không khá hơn: tổng công suất của ngành Xi măng tăng 11%, trong khi sản lượng thực tế và nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn không cải thiện.

Thậm chí đến năm 2015, khi các nhà máy mới được đưa vào khai khác, tổng công suất thiết kế của cả nước có thể đạt đến 85 triệu tấn, một con số rất lớn so với mức tiêu thụ trong nước được dự báo chỉ vào khoảng 59,7 triệu tấn.

Ông Lê Văn Chung –  Nguyên chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Xi măng Việt Nam
Chưa thể nói đến chuyện thiếu xi măng vào năm 2015, vì hiện thị trường bất động sản vẫn gần như đóng băng, trong khi đây lại là thị trường chính của ngành. Có thể sự thiếu hụt sản phẩm xi măng có thể xảy ra trong vài năm tới, nhưng chưa phải là mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngành này. Do đó, hiện nay vẫn nên đẩy mạnh xuất khẩu để giảm tồn kho, cũng như tập trung đầu tư phát triển công nghiệp xi măng một cách bền vững, chứ không phải đặt vấn đề thiếu xi măng. Đặc biệt, chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp để không xảy ra tình trạng lợi dụng các ưu đãi về thuế, về điện… của Nhà nước nhưng lại không đóng góp nhiều cho đất nước.

Ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành
Kế hoạch trong năm nay của đa số DN cũng không có thay đổi bất thường, bởi mỗi năm đều có sự điều chỉnh phù hợp chứ không “dồn ứ” vào cùng một thời điểm. Nhìn chung, nguồn cung khá dồi dào và phần lớn các nhà phát triển dự án không phải lo gì đến vấn đề này.
 
Ông Nguyễn Ngọc Thân – Giám đốc Công ty TNHH MTV Xi măng Sông Giang
Gần đây, trên thị trường có diễn ra hiện tượng thiếu hụt xi măng ở một số địa phương, nhất là khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ. Sở dĩ có hiện tượng như vậy là do các nguyên nhân khách quan tác động đến thị trường xi măng chứ không phải do thiếu hụt về công suất, năng lực sản xuất của các nhà máy. Điển hình nhất là từ khi có chủ trương áp dụng các biện pháp kiểm tra trọng tải xe (1/4/2014) của Chính phủ và Bộ Giao thông – Vận tải, lượng xe đủ năng lực vận chuyển chưa thể đáp ứng kịp (trước đây các xe có thể chở vượt trọng tải gấp 2 – 3 lần), dẫn đến lượng xi măng về các vùng xa nhà máy sẽ bị gián đoạn, thiếu hụt cục bộ. Cùng với đó, giá cước vận chuyển tăng từ 15 – 20% so với trước đây, dẫn đến giá thành xi măng sẽ tăng nên các nhà phân phối, đại lý đang trong quá trình “làm giá” với các nhà máy, chưa nhập hàng để bán.

Nguồn: ximang.vn/TBKD

Bình luận
Tin liên quan