Ngành VLXD đón đầu năm 2014 với kỳ vọng phát triển trở lại

Hơn nữa, cùng với việc Nhà nước cho phép chuyển đổi công năng của nhiều dự án, khiến nhà đầu tư có động lực tiếp tục đầu tư… Điều này đã tác động tích cực đến thị trường VLXD. Đây được xem là tín hiệu vui cho ngành VLXD để đón đầu năm 2014 với kỳ vọng sẽ có sự phát triển tốt trở lại.

  
Cuối năm giá các mặt hàng VLXD có chiều hướng tăng
. Ảnh minh họa

Thời báo Ngân hàng đã có bài phân tích tổng hợp về thị trường của mặt hàng VLXD. Theo đó, hiện nay, nhiều mặt hàng VLXD đang tăng nhẹ về giá và sản lượng so với quý III/2013 và cùng kỳ năm 2012.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, hầu hết các mặt hàng VLXD đều tăng giá so với quý trước. Trong đó, giá xi măng từ đầu tháng 11/2013 đã tăng khoảng 4,71% so với cuối quý II và tăng khoảng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo của Hiệp hội Xi măng, tổng cầu xi măng của thị trường nội năm 2013 không tăng so với năm 2012, nhưng công suất toàn ngành vẫn tăng thêm 6,72 triệu tấn với 6 nhà máy xi măng mới đi vào hoạt động, đưa tổng công suất thiết kế khoảng 70 triệu tấn.

Và dự báo nhu cầu tiêu thụ nội địa đến hết năm 2013 khoảng trên 50 triệu tấn, như vậy khối lượng xi măng còn lại khoảng gần 10 triệu tấn. Vì vậy việc xi măng tăng giá như hiện nay là một tín hiệu đáng mừng cho ngành này.

Duy chỉ có mặt hàng thép, dù đang có nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trong mùa xây dựng, nhưng nguồn cung hiện cũng đang vượt xa nhu cầu thị trường. Vì vậy, giá thép vẫn đang ổn định và giảm nhẹ.

Gạch không nung đang trở thành mặt hàng có thị trường tiêu thụ tốt, do UBND thành phố yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và VLXD trên địa bàn thành phố thực hiện các giải pháp, mục tiêu phát triển, sử dụng VLXD không nung.

Tuy nhiên, hiện nay giá công nghệ nhập khẩu quá đắt, giá thành sản phẩm cao, quy cách sản phẩm chưa phù hợp với thói quen thị hiếu của người tiêu dùng và hiện nay không có nhiều doanh nghiệp chấp nhận rủi ro để đầu tư sản xuất. Vì vậy, giá mặt hàng này luôn ở mức cao và có thể còn tăng thêm từ nay đến cuối năm.

Các mặt hàng khác như đá và cát, là vật liệu quan trọng trong các công trình xây dựng, nhưng việc khai thác cát, đá tại nhiều địa phương cũng bị hạn chế, có nơi bị cấm hẳn vì tình trạng cạn kiệt, gây nguy hiểm do bờ sông bị xói mòn, lở núi… Mặt khác, Việt Nam cũng chưa có sự đầu tư công nghệ mới xứng tầm để dần thay thế vật liệu truyền thống này.

Chính vì vậy, khi thị trường gia tăng cầu đột biến thì các mặt hàng này lại tăng vượt trội. Hiện tại giá cát, đá xây dựng đã tăng trên 10% so với đầu quý III/2013. Sơn và gỗ xây dựng các loại hiện có tăng lượng tiêu thụ trên 5%, nhưng giá cả vẫn ổn định do mặt hàng gỗ xây dựng trên thị trường rất đa dạng về chủng loại và quy cách, ngoài ra còn có sự cạnh tranh của nhiều thương hiệu trong và ngoài nước nên giá cả ổn định.

Sơn là mặt hàng sử dụng nhiều dịp cuối năm do nhu cầu trang trí nội thất, cải tạo nhà đón năm mới. Lượng cầu trên thị trường đang tăng nhanh. Tuy nhiên, chu kỳ tăng giá của mặt hàng sơn thường rơi vào quý I hàng năm, nên hiện tại mặt hàng này chưa có sự biến động giá.

Giá VLXD tăng  dịp cuối năm nay còn do ảnh hưởng từ việc khởi động lại nhiều dự án xây dựng lớn nhỏ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Sau hàng loạt điều chỉnh của Chính phủ và gói hỗ trợ người mua nhà được tung ra, rất nhiều dự án xây dựng dở dang được khởi động trở lại. Dòng tiền trong thị trường bất động sản có sự lưu chuyển nhất định.

Theo Thời báo ngân hàng

Bình luận
Tin liên quan