Liên kết xuất khẩu xi-măng

Xu hướng tất yếu

Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới đánh giá: “Trước năm 2010, hằng năm nước ta phải nhập khẩu từ 3,5 đến 4,5 triệu tấn sản phẩm xi-măng để đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước nhưng từ năm 2011 trở lại đây chúng ta mới thật sự XK sản phẩm xi-măng”. Ba năm là khoảng thời gian chưa nhiều nên tình hình XK còn bộc lộ một số vấn đề: thiếu kinh nghiệm, thị trường XKkhông ổn định, thiếu đội tàu đủ tiêu chuẩn để vận chuyển sản phẩm xi-măng sang các nước, chưa có cảng chuyên dùng để xuất sản phẩm xi-măng, đặc biệt là clanh- Ke. Hơn nữa, do giá nhiên liệu, điện và các yếu tố đầu vào thường xuyên biến động theo xu hướng tăng, nên các DN Việt Nam chưa dám ký hợp đồng dài hạn. Mặt khác, sự phối hợp, liên kết giữa các DN trong việc XK chưa tốt, dễ bị các đối tác lợi dụng ép giá.

Tuy nhiên, hoạt động XK này cũng có nhiều mặt tích cực. Số lượng và tỷ trọng XK xi-măng so với clanh-ke tăng mạnh. Năm 2012, tỷ trọng này là 24%, năm 2013 nâng lên 36,6%. Giá XK sản phẩm xi-măng năm 2013 đã có chiều hướng tăng lên, khoảng 2 USD/tấn sản phẩm. Mặc dù, hiệu quả XK xi-măng chưa cao, nhưng không có việc giá thấp hơn giá bán trong nước, đồng thời sự kết hợp giữa các DN với nhau đã có chiều hướng tốt lên, góp phần đẩy lượng tiêu thụ năm 2013 đạt 61,2 triệu tấn sản phẩm ximăng, tăng khoảng 14% so cùng kỳ và đạt hơn 90% tổng công suất thiết kế các nhà máy xi-măng.

Cùng chung nhận xét, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem) Lương Quang Khải cho rằng, các DN sản xuất xi-măng tại các nước trên thế giới, ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng đều tính đến XK bởi vì xi-măng là loại hàng hóa “mùa vụ”, có thời điểm. Cộng thêm đặc thù của ngành xi-măng là sản xuất liên tục, không được phép dừng lò nên XK được coi là giải pháp điều hòa hiệu quả. Hiện nay, XK còn mang lại những hiệu quả khác như giảm áp lực tiêu thụ trong nước, thu được ngoại tệ trả nợ, trong khi giá thành không thấp hơn nhiều so với các nước khác, khoảng 1-2 USD/tấn, thậm chí clanh- Ke còn xuất giá cao hơn so với tiêu thụ trong nước. Có thể coi, giá XK như giá bán buôn, còn giá tiêu thụ trong nước là giá bán lẻ và xét về mặt hiệu quả là gần tương đương nếu thị trường tiêu thụ ổn định. Với mức giá XK khoảng 38-39 USD/tấn clanhke, Vicem vẫn đủ bù được chi phí sản xuất, lãi vay và các chi phí khác. Chẳng hạn, Xi-măng Vicem Hoàng Thạch công suất 4 triệu tấn/năm, do chưa chủ động XK, nên những tháng đầu năm 2012 tồn đọng hơn 500 nghìn tấn clanh- Ke. Năm 2013, DN chủ động XK, đồng thời nâng cao chất lượng công tác bán hàng trong nước, nên lợi nhuận của Hoàng Thạch đạt hơn 300 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2012.

Một số DN xi-măng tư nhân cũng đặt nhiều kỳ vọng vào XK.Chủ tịch Tập đoàn Xi-măng The Vissai Hoàng Mạnh Trường cho biết, giá xi-măng PCB 40 là 980 nghìn đồng/tấn (đã bao gồm VAT) tại cửa nhà máy. Trong khi, tất cả những hợp đồng XK đều có giá từ 54 USD/tấn trở lên, thậm chí có những hợp đồng lên tới 60 USD/tấn tùy thuộc vào từng vùng miền, các nước khác nhau trên thế giới. Hiện giá XK xi-măng của Việt Nam đang cao hơn Trung Quốc và ngang bằng với Thái-lan. Tập đoàn đang hướng tới có những sản phẩm phù hợp để đạt được mức giá kỳ vọng như Nhật Bản (khoảng 80 USD/tấn). XK là một kênh quan trọng nhằm duy trì sản xuất, nếu dừng lò thiệt hại rất nặng nề, ảnh hưởng trước hết đến việc làm của người lao động. Mỗi lần dừng lò, ước tính thiệt hại khoảng 15 – 20 tỷ đồng.

    

Sản xuất xi-măng ở Công ty CP xi-măng Vicem Hà Tiên.

Chuyên nghiệp trong xuất khẩu

Hiện nay, nhiều nhà máy xi-măng đã chủ động tìm hướng XK thông qua các công ty thương mại, do vậy cả nước có đến khoảng vài chục đầu mối XK xi-măng với các yêu cầu về tài chính khác nhau. Hơn nữa xi-măng là loại hàng hóa cồng kềnh, chịu nhiều chi phí vận tải, nếu xuất nhỏ lẻ sẽ không có hiệu quả. Trong khi đó, vai trò của các hiệp hội chưa mạnh, XK xi-măng còn qua môi giới, phải gánh thêm nhiều chi phí phát sinh. Chủ tịch Vicem Lương Quang Khải cho biết, “các DN XK xi-măng cần ngồi lại với nhau, thống nhất toàn bộ đầu mối XK, chứ không để từng nhà máy XK”. Đồng thời, tập trung quản lý, bảo đảm chất lượng sản phẩm, thống nhất giá bán để giữ uy tín và duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh. Thực tế đã chứng minh hiệu quả của việc liên kết, giữa năm 2013 giá XK clanh- Ke của Việt Nam đã tăng thêm 2 USD/tấn và Vicem mong muốn phát huy vai trò liên kết nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác XK các sản phẩm xi-măng.

Nhằm nâng cao hiệu quả trong XK xi-măng, Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới cho rằng, có hai điểm mà các bộ, ngành và Hiệp hội Xi-măng cần quan tâm. Thứ nhất, cần có cảng chuyên dùng để bốc xếp sản phẩm xi-măng bảo đảm tiêu chuẩn cho tàu ít nhất 30 nghìn tấn trở lên. Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải ưu tiên vốn, thậm chí nên có cơ chế để kêu gọi xã hội hóa đầu tư cảng xuất khẩu sản phẩm xi-măng. Thứ hai, kết hợp tốt giữa các DN XK.Khi nước ta gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) hay tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Bộ Xây dựng không thể can thiệp vào việc định giá bán, hay điều hành trực tiếp việc bán hàng một cách phi thị trường. Bộ đã phối hợp Hiệp hội Xi-măng để cung cấp thông tin, tuyên truyền vận động các DN, đề ra các biện pháp phù hợp nhằm tăng cường hợp tác của các DN trong XK sản phẩm xi-măng. Tất nhiên, các DN XK xi-măng phải chủ động nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp, tăng cường liên kết, hợp tác vì quyền lợi và hiệu quả của chính mình trong XK.

Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung cho rằng, giá xi-măng XK thấp hơn một số nước cũng do tình trạng chung như XK gạo, tôm… Nguyên nhân là chưa có sự đồng thuận, phối hợp giữa các DN và thiếu sự quản lý của Nhà nước. Hơn nữa, Việt Nam mới tham gia thị trường XK xi-măng, cần phải xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế rồi mới tính đến khả năng tăng giá. Các đối tác nước ngoài đã lợi dụng điều này để ép giá. XK xi-măng không phải giải pháp tình thế mà phải là giải pháp lâu dài, có XK thì mới củng cố được sản xuất kinh doanh.

Nguồn: Nhân dân

Bình luận
Tin liên quan