Khuyến khích sử dụng vật liệu không nung

Thời gian gần đây, các dự án sản xuất vật liệu không nung được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đẩy mạnh. Lợi ích mang lại khi sử dụng loại vật liệu mới này trong xây dựng các công trình là rất lớn, đặc biệt trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai sử dụng vật liệu không nung không phải đơn giản, vì việc này đồng nghĩa với sự từ bỏ thói quen  sử dụng vật liệu truyền thống.

Theo tính toán thực tế của các nhà thầu xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sử dụng 1m2 gạch không nung so với 1m2 gạch nung kiểu truyền thống giá thành giảm từ 20 đến 30%; cường độ chịu lực cao hơn; nhà ở mát mẻ hơn, và điều đáng nói là không phải dùng chất đốt, không xả thải vào môi trường.

“Sử dụng gạch không nung để giảm thiểu ô nhiễm, giá thành rẻ hơn, vận chuyển, thi công đều thuận tiện, không khác gì gạch truyền thống. Với công nghệ mới, gạch nhẹ hơn, dẫn đến kết cấu công trình giảm thiểu, giá thành công trình giảm tương đối nhiều; nhà sản xuất lại còn quan tâm đến người tiêu dùng, có chính sách hỗ trợ tốt hơn so với gạch truyền thống” – ông Nguyễn Nam Phương,  Giám đốc Công ty xây dựng Nam San tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận xét.

Hai năm trước đây, Bộ Xây dựng đã có Thông tư 09 chỉ đạo đầu tư sản xuất vật liệu không nung để cung cấp cho ngành xây dựng nhưng đến nay việc triển khai các dự án vật liệu không nung còn chậm.
 


Sử dụng 1m2 gạch không nung so với 1m2 gạch nung kiểu truyền thống giá thành giảm từ 20-30%.

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện mới chỉ có 5 đơn vị đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung với công suất khoảng 200 triệu viên/năm. So với dự báo nhu cầu sử dụng vật liệu không nung của tỉnh đến năm 2015 khoảng hơn 400 triệu viên/năm, sản lượng sản xuất hiện tại mới chỉ đảm bảo khoảng một nửa so với nhu cầu sử dụng.

Vậy tại sao vật liệu không nung mặc dù có ưu điểm nhiều hơn vật liệu cũ lại ít  được sử dụng trong xây dựng?  Ông Lê Ninh Trang, Trưởng phòng Giám định Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giải thích: “Vật liệu sét nung đối với thị trường  Việt Nam đã có hàng hàng trăm năm, thói quen sử dụng có từ người dân, nhà đầu tư. Nay chuyển thói quen đó sang dùng vật liệu mới phải có lộ trình nhất định, vì muốn làm điều này bắt đầu phải từ chính sách đến điều kiện của nhà kinh doanh,  thói quen sử dụng của người dân, kể cả người thi công phải thay đổi thao tác,  doanh nghiệp phải xây dựng thị trường, các đại lý bán hàng phải thay đổi. Tôi tin rằng, gạch không nung sẽ phát triền”.

Ngoài thói quen sử dụng, một khó khăn nữa là sự đi xuống của thị trường bất động sản, việc nhiều chủ đầu tư dự án còn lúng túng trong việc  đưa vật liệu này vào công trình xây dựng. Điều này khiến các nhà đầu tư không mặn mà bỏ vốn sản xuất vật liệu không nung. Đơn vị dám đi đầu trong lĩnh vực này trong tỉnh phải kể đến Công ty cổ phần Thành Chí ở  huyện Châu Pha, huyện Tân Thành. Tại phân xưởng sản xuất của công ty, trong tiếng máy nén gạch đang hoạt động, ông Nguyễn Thế Thường, Tổng Giám đốc vui vẻ giới thiệu với chúng tôi sản phẩm gạch tiêu chuẩn cỡ 19x19x39cm do dây chuyền sản xuất tự động làm ra, đều tăm tắp, dày dặn nhưng nhẹ hơn gạch cùng loại bằng đất nung.

Ông cho biết đang đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất vật liệu không nung tự động công suất 100.000 viên/ngày, phấn đấu đạt mục tiêu 60 triệu viên/năm như dự kiến. 

Ngoài sản phẩm gạch không nung, công ty còn sản xuất thêm các loại vật liệu khác như gạch lát; ngói lợp không nung, mẫu mã đa dạng. Hiện nay, sản phẩm của công ty đã có đầu ra.

“Đối với nhà sản xuất vật liệu không nung, nhà nước nên khuyến khích về điều kiện đầu tư, về vốn vay có ưu đãi, bước đầu giảm các loại thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất. Hơn nữa, qui trình theo lộ trình đến từng năm nào phải tuân thủ triệt để. Hiện nay, một số gạch không nung chúng tôi sản xuất ra đề làm quen theo lộ trình cho người tiêu dùng, nhưng trong tiêu chuẩn vật liệu xây dựng chưa có, đề nghị nhà nước nghiên cứu ban hành cái này, đề đưa vào dự toán, từ đó mới quyết toán được công trình” – ông Nguyễn Thế Thường chia sẻ.

Để đẩy mạnh hơn tiến độ sử dụng gạch không nung, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất loại vật liệu này, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn thiết kế và giám sát, nhà thầu thi công xây dựng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý đầu tư xây dựng phải thực hiện nghiêm túc qui định: các công trình xây dựng mới được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh từ nay đến hết năm 2015 phải sử dụng tối thiều 50% vật liệu không nung; các công trình xây dựng mới từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn phải sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây không nung và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiều 50% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây dựng.

Hy vọng với lộ trình như trên, vật liệu xây không nung sẽ dần thay thế các loại vật liệu nung ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
 

Nguồn: ximang.vn/VOV

Bình luận
Tin liên quan