Giải pháp phát triển vật liệu xây không nung trong xây dựng công trình

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Vietbuild 2014. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Vụ VLXD, Sở Xây dựng Hà Nội và đại diện các đơn vị, Cty sản xuất vật liệu xây không nung, VLXD…

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hội VLXDVN Trần Văn Huynh cho biết: Chương trình phát triển Vật liệu xây không nung (VLXKN) thay thế gạch đất sét nung đã được các nhà đầu tư hăng hái hưởng ứng. Sau gần 4 năm thực hiện, đến nay đã có 12 nhà máy gạch bê tông khí chưng áp, công suất mỗi cơ sở từ 100.000 m3 – 300.000 m3/năm, với tổng công suất 1,95 triệu m3/năm và 30 cơ sở sản xuất bê tông bọt với tổng công suất là 0,473 triệu m3/năm, đưa tổng công suất bê tông nhẹ lên 2,423 triệu m3/năm, đã đưa vào sản xuất (tương đương 1,696 tỷ viên gạch quy tiêu chuẩn).

Bên cạnh đó, các DN đã đầu tư hàng loạt cơ sở sản xuất gạch xi măng cốt liệu có công suất từ 7 – 35 triệu viên gạch (quy tiêu chuẩn) và hơn 1 nghìn cơ sở sản xuất nhỏ có công suất 2 đến 5 triệu viên (gạch tiêu chuẩn)/năm đưa tổng công suất gạch xi măng cốt liệu lên trên 4,5 tỷ viên gạch (quy tiêu chuẩn)/ năm.

Theo ông Huynh, về công suất đến nay, VLXKN đã chiếm tỷ lệ 27% trên tổng số vật liệu xây. Trong mấy năm qua, các nhà sản xuất đã không ngừng nghiên cứu công nghệ, đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc đầu tư không theo quy hoạch tập trung ở một số vùng gây khó khăn cho việc vận chuyển đến nơi sử dụng, nâng giá lên cao, nơi thừa, nơi thiếu, việc tiêu thụ, sử dụng VLXKN vào công trình xây dựng còn rất hạn chế, không tương xứng với năng lực đã được đầu tư, chỉ chiếm khoảng 50%.

Năm 2013, các DN sản xuất VLXKN xuất khẩu được 110.000 m3, với kim ngạch xuất khẩu trên 5,5 triệu USD. Một số Cty đã phải dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng…

Ông Huynh cũng cho biết: Nguyên nhân dẫn đến thị trường VLXKN ảm đảm, tiêu thụ kém chính là do Chương trình 567 ra đời vào đúng lúc kinh tế suy thoái, đầu tư công bị cắt giảm, thị trường BĐS đóng băng, thị trường VLXD nói chung bị thu hẹp, kể cả đối với gạch đất sét nung. Hơn nữa, việc đầu tư sản xuất bê tông bọt, bê tông khí AAC giai đoạn đầu phát triển nóng, với trình độ công nghệ thấp, trang bị không đồng bộ, trình độ tự động hóa thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, không ổn định.

Ngoài ra, việc đưa sản phẩm AAC, bê tông bọt vào xây dựng không tuân thủ đúng chỉ dẫn kỹ thuật, vữa xây, vữa trát không đạt chất lượng, tay nghề của thợ chưa được đào tạo; việc thực thi các chính sách, chế độ ưu đãi phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN… chưa được tuân thủ triệt để, nhiều địa phương chưa có lộ trình tích cực xóa bỏ lò gạch thủ công…

Đưa ra một số giải pháp, ông Huynh cho rằng, để phải triển bền vững sản xuất và sử dụng VLXKN, các DN phải đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ tiên tiến; nhà cung ứng bê tông nhẹ phải cung cấp đồng bộ vữa xây, vữa trát chuyên dụng phù hợp với chất lượng bê tông; phải đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề am hiểu về kỹ thuật xây, trát, nghiệm thu tường xây…

Hội thảo cũng đã đề cập đến tình hình triển khai Chương trình phát triển VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn TP Hà Nội; Kinh nghiệm thi công gạch nhẹ bê tông khí chưng áp; So sánh tường thạch cao, tường AAC, tường gạch đất sét nung tại tòa nhà cao tầng; tường gạch AAC – Nguyên nhân gây nứt và giải pháp phòng ngừa; Giải pháp mới cho công nghệ ép rung sản xuất gạch xi măng cốt liệu; phương pháp thi công gạch AAC…

Nguồn: Báo Xây dựng

Bình luận
Tin liên quan