Theo Quy hoạch Tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ hoàn thành việc chuyển đổi công nghệ các nhà máy sản xuất xi măng lò đứng sang lò quay trước năm 2016. Tuy nhiên, không cần đợi mục tiêu quy hoạch, xi măng lò đứng đã tự “khai tử”.
Được biết, hiện cả nước chỉ còn một dây chuyền xi măng lò đứng ở Kiên Giang hoạt động ổn định, do khu vực phía Nam thiếu xi măng, sản phẩm làm ra vẫn tiêu thụ được. Số còn lại, một số chuyển đổi sang công nghệ lò quay, một số ít chuyển sang các trạm nghiền clinker hoặc sản xuất vật liệu xây dựng không nung, còn lại buộc phải phá sản.
Với những ai trong ngành xi măng, có lẽ kết cục này không quá bất ngờ, do xi măng lò đứng tốn nhiều nhiên liệu, nguyên liệu, chất lượng không ổn định, ô nhiễm môi trường…, sản phẩm làm ra không cạnh tranh được với xi măng lò quay.
“Xi măng lò đứng rầm rộ vào Việt Nam do thời điểm đó (cuối những năm 1990) Trung Quốc cấm sử dụng vì lạc hậu, và công nghệ này được bán thanh lý cho Việt Nam. Rõ ràng, lúc đó ta đã biết đây là công nghệ lạc hậu”.
“Xi măng lò đứng rầm rộ vào Việt Nam do thời điểm đó (cuối những năm 1990) Trung Quốc cấm sử dụng vì lạc hậu, và công nghệ này được bán thanh lý cho Việt Nam. Rõ ràng, lúc đó ta đã biết đây là công nghệ lạc hậu”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan |
Theo TS Long, giai đoạn công nghệ xi măng lò đứng phát triển mạnh nhất là những năm 1993 – 1997, theo chương trình 3 triệu tấn xi măng của Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, sau đó lò đứng vẫn tiếp tục phát triển, khi nhà máy cuối cùng xây dựng vào năm 2004.
“Chương trình 3 triệu tấn xi măng Bộ Xây dựng đưa ra là giải pháp tình thế, do lúc đó Việt Nam thiếu xi măng, lại ít vốn. Các nhà máy đều do doanh nghiệp nhà nước hoặc các tỉnh đầu tư”, TS Long nói.
Theo ông, thời điểm đó, một dây chuyền xi măng lò đứng của Trung Quốc chỉ 2-3 triệu đô la Mỹ, trong khi lò quay giá hàng trăm triệu đô la Mỹ. Do đó, thời điểm những năm 1990, cả nước chỉ có 4 dây chuyền xi măng lò quay (Hoàng Thạch, Hải Phòng, Bỉm Sơn và Hà Tiên).
Theo TS Nguyễn Quang Cung, hiện các nhà máy xi măng lò quay hoạt động đã lâu, công nghệ cũ, năng suất thấp (khoảng 120.000 tấn/năm) cần đầu tư mới, có chiều sâu, để nâng công suất, hiệu quả, bảo vệ môi trường.