1. Vật liệu sản xuất bê tông
* Xi măng
Hiện nay, Việt Nam đang sản xuất các loại xi măng Portland thông thường (PC), xi măng Portland hỗn hợp (PCB), xi măng bền sunfat, xi măng xỉ, xi măng Puzzolan, xi măng trắng, xi măng ít tỏa nhiệt. Trong đó xi măng Portland thông thường (PC) và xi măng Portland hỗn hợp (PCB) chiếm khối lượng chủ yếu.
Xi măng Portland thông thường ở Việt Nam có 3 mác: 30, 40, 50; xi măng Portland hỗn hợp có 2 mác là 30 và 40. Hai loại xi măng này thường được chế tạo từ clinker mác 50 – 60. Tổng sản lượng xi măng năm 2011 của Việt Nam đạt 56 triệu tấn. Tổng công suất các nhà máy đã và đang xây dựng trên 100 triệu tấn/năm.
* Phụ gia hóa học
Chủng loại và chất lượng của các loại phụ gia đang có mặt ở Việt Nam hiện theo gần sát với trình độ thế giới. Sau các thế hệ phụ gia, Lignosulfonate, Naphthalene sulfonate, phụ gia giảm nước mạnh thế hệ 3 trên nền Polycarboxylic đã được sử dụng ở Việt Nam vài năm nay. Với loại phụ gia này, cho phép chế tạo bê tông tự lèn (SCC), bê tông tính năng cao (HPC), bê tông ứng suất trước tại công xưởng mà có thể bỏ qua chưng áp và cho phép quay vòng ván khuôn nhanh.
Các loại phụ gia Puzzolan, phụ gia xỉ hoạt hóa, phụ gia tro bay và tro tuyển được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam nhằm cải thiện các tính chất của bê tông, giảm lượng dùng xi măng, giảm thiểu việc tích chứa các phế thải công nghiệp. Việc sử dụng các loại phụ gia khoáng hoạt tính mạnh như Silicafume (SF), Metakaolin (MK), và tro trấu hoạt tính (RHA) của nhà máy nhiệt điện đốt trấu tại các vùng lúa, trong chế tạo bê tông tính năng cao (HPC) đã bắt đầu được quan tâm và đẩy mạnh.
2. Công nghệ trộn và vận chuyển bê tông
Khối lượng bê tông sản xuất ở Việt Nam ước tính khoảng 50 triệu m3/năm cho cả nước với các phương pháp sản xuất và cách thức sản xuất khác nhau. Trong đó khoảng 17 triệu m3 được sản xuất bằng máy trộn các loại. Các trạm trộn bê tông tùy loại mà sử dụng máy trộn cưỡng bức trục đứng kiểu hành tinh hay cưỡng bức 2 trục ngang. Việc tự động hóa và điều khiển trạm trộn được số hóa ở mức tiên tiến. Công suất máy trộn tại các trạm trộn ở Việt Nam thường có các loại 60 m3/h, 80 m3/h, 125 m3/h. Đặc biệt một số công trình thủy điện được trang bị máy trộn công suất lên đến 250 m3/h cho phép trộn hỗn hợp bê tông rất khô, Dmax cốt liệu lớn.
Về vận chuyển hỗn hợp bê tông, đối với các công trình dân dụng và công nghiệp sử dụng hỗn hợp bê tông (HHBT) có độ sụt cao, hỗn hợp bê tông được đưa đến công trình bằng xe mix chuyên dụng và HHBT được đưa vào khối đổ bằng bơm cần di động. Các máy bơm bê tông di động ở Việt Nam hiện có tầm với lên đến gần 60m. Những công trình có đòi hỏi phải chuyển hỗn hợp bê tông vào khối đổ với khoảng cách xa hoặc độ cao lớn ngoài tầm với của bơm di động, thường sử dụng thiết bị bơm tĩnh công suất lớn.
Đối với nhà cao tầng hoặc siêu cao tầng, để nâng cao mức độ linh hoạt trong việc đưa bê tông và khối đổ thường sử dụng tháp bơm. Với năng lực của các thiết bị hiện có ở Việt Nam, cho phép vận chuyển hỗn hợp bê tông lên cao tới 350m (công trình Keangnam Landmark Tower tại Hà Nội cao 336m, 70 tầng; Công trình Bitexco Financial tại TP. Hồ Chí Minh cao 262m, 68 tầng). Hiện nay nhiều thiết bị bơm bê tông tiên tiến đã có mặt ở Việt Nam Putzmeister, Schwing, Elba (Đức); Junjil (Hàn Quốc)…
Đối với các công trình bê tông khối lớn (đập thủy lợi, thủy điện) sử dụng hỗn hợp bê tông có độ sụt thấp thường vận chuyển bằng băng tải, xe tải tự đổ kết hợp hộc đổ. Hiện một số công trình thủy điện ở Việt Nam đã có các trạm trộn RCC có công suất lớn được trang bị hệ thống làm lạnh và hệ băng tải vận chuyển cho phép đổ bê tông với công suất lên đến 8.000m3/ngày.