Chi phí vận tải tăng, tiêu thụ xi măng giảm

Từ đầu năm 2014, sản xuất và tiêu thụ xi măng đã có những chuyển biến tích cực. Nhưng thời gian qua, việc thực hiện chính sách kiểm soát nghiêm trọng tải xe lưu thông trên đường bộ đã khiến các doanh nghiệp xi măng đối mặt với vấn đề là cước vận tải tăng. Theo đó, các doanh nghiệp xi măng phải chịu cước phí vận tải tăng từ 20-30% do phải chia nhỏ chuyến hàng chứ không thể chở quá tải như trước đây.

Bên cạnh đó, trước giờ việc vận chuyển của ngành xi măng vẫn phụ thuộc khá nhiều vào đường bộ, ít chú trọng vận chuyển bằng đường sắt cũng như đường thủy. Nhưng không phải doanh nghiệp xi măng nào cũng nằm ở vị trí gần cảng sông, cảng biển để có thể trông chờ vào vận chuyển bằng đường thủy. Hơn nữa, vận chuyển đường thủy nói chung cũng chưa đáp ứng được yêu cầu do quy mô hoạt động còn hạn chế. Cùng đó, vận tải đường sắt cũng thiếu khả thi do bao nhiêu năm nay thủ tục và phương thức thiếu linh hoạt.


Việc vận chuyển xi măng bằng đường thủy hiện đang là phương án được nhiều doanh nghiệp xi măng tính đến.

Ông Trần Đức Mạnh, Phó văn phòng Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, xi măng là loại hàng hóa đặc thù, không để được lâu, dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết… và quá trình vận chuyển thường gây ô nhiễm, cần được che chắn tốt. Khi tìm đến vận chuyển đường sắt, nhiều đơn hàng của Vicem chưa được đáp ứng. Vận tải đường sắt thường bị chậm chuyến, không có toa chuyên dụng, lực lượng bốc dỡ xi măng thiếu… Những lý do này khiến các doanh nghiệp xi măng ngại lựa chọn loại hình vận tải này.

Chính vì vậy, vận tải đường bộ vẫn là vẫn là lựa chọn số 1 của doanh nghiệp xi măng. Từ trước đến nay, tiêu thụ nội địa vẫn là thị trường chủ yếu của ngành xi măng. Thực tế, hầu hết các đơn vị sản xuất xi măng chưa chú trọng đến phương thức vận tải đường thủy, thậm chí một số nhà máy không có cảng xuất xi măng và cũng chưa kết nối được với tuyến đường sắt. Do đó, trước quy định siết chặt việc quản lý trọng tải xe đã khiến các đơn vị ngành xi măng thật sự rơi vào thế bí.

Một trong những thương hiệu chiếm thị phần lớn tại thị trường phía Bắc, đại diện Vicem Hoàng Thạch cho biết, sức tiêu thụ của doanh nghiệp này cũng chịu ảnh hưởng và sụt giảm đáng kể. Theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó Giám đốc xí nghiệp tiêu thụ Vicem Hoàng Thạch, bình quân mỗi ngày Vicem Hoàng Thạch xuất khoảng 2.500 tấn sản phẩm nhưng sau khi tuân thủ nghiêm quy định xe chở hàng đúng tải trọng thì mức xuất kho giảm xuống chỉ còn khoảng 1.500 tấn. Mặc dù Vicem Hoàng Thạch có lợi thế vì có cảng để vận chuyển hàng theo đường thủy nhưng cũng chỉ giảm được khối lượng 38% hàng hóa vận tải đường bộ xuống còn 25%.

Nhiều doanh nghiệp xi măng cho rằng, nếu giá cước vận tải tiếp tục tăng thì giá bán sản phẩm cũng phải điều chỉnh tăng cho phù hợp. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với các thương hiệu nhỏ và hoạt động tại địa bàn được xem là khó tính như khu vực phía Bắc.

Trước những khó khăn kể trên, không chỉ các doanh nghiệp ngành hàng xi măng mà cả các ngành hàng vật liệu xây dựng khác đã chọn giải pháp cùng nhau bàn lại và chia sẻ khó khăn, lợi ích với các doanh nghiệp vận tải.

Theo Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới, các doanh nghiệp xi măng cần chủ động điều tiết sản xuất, tính toán lại công tác vận chuyển nhằm san sẻ gánh nặng đối với đường bộ.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nên tự ý thức về việc tìm kiếm, mở thêm những bến vận tải đường thủy tại những nơi đường bộ không thuận tiện, cùng với đó tính toán lại việc phối hợp vận chuyển bằng đường sắt và đường bộ…

Về phía các doanh nghiệp, cùng với việc tập trung nâng cao khả năng vận chuyển bằng đường thủy cần rà soát các phương án vận chuyển, trong đó đan xen hợp lý giữa các loại hình vận tải nhằm hạn chế tối đa chi phí vận chuyển, không làm tăng giá thành sản phẩm.

Nguồn: ximang.vn

Bình luận
Tin liên quan