Tìm hiểu về vật liệu thạch cao trong xây dựng

Thạch cao có thể được sử dụng làm tường, làm trần. Vì vậy hiểu, phân loại và sử dụng đúng cách cho từng mục đích sẽ mang lại hiệu quả cao cho ngôi nhà cuả bạn.

Tấm thạch cao là một trong những vật liệu phổ biến dùng để làm trần hoặc tường nội thất trong xây dựng gia dụng và thương mại. Vật liệu này ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong xây dựng dân dụng và công nghiệp do có đặc tính thi công nhanh gọn, tính thẩm mỹ cao, không độc hại, không cháy, cách âm, cách nhiệt …


Vách ngăn thạch cao

Đặc tính

– Bề mặt mịn, phẳng, đẹp mắt, dễ dàng trang trí và có độ cứng tốt.

– Dễ dàng ghép nối các tấm lại với nhau, tường nhà và trần sẽ rất phẳng mịn. Hơn nữa vì bề mặt của tấm thạch cao mịn láng hơn tất cả các loại tường bê-tông nên nó tạo cho ngôi nhà một dáng vẻ vượt trội.

– Sau khi hoàn tất trang trí, có thể sử dụng sơn tay hay sơn xịt hoặc các loại trang trí khác như giấy dán tường hoặc gạch trang trí.

– Đặc tính hữu cơ của tấm thạch cao là mềm dẻo nên không bị nứt dù được sử dụng một thời gian dài, đó là một lợi thế đáng kể trong việc sử dụng tấm thạch cao cho các công trình xây dựng.

– Tấm thạch cao cũng có thể dễ dàng ứng dụng cho các trần nhà và tường có độ cong vênh.

Khả năng cách nhiệt và cách âm

– Tấm thạch cao có khả năng chống cháy và cách nhiệt rất tốt. Nó không hấp thu độ nóng và tỉ lệ dẫn nhiệt thấp hơn các loại vật liệu khác như bê-tông, gạch, kính… Do vậy tấm thạch cao có thể ngăn cản sức nóng và giảm đi năng lượng tiêu thụ cho hệ thống máy điều hòa.


Thạch cao được sử dụng rộng rãi cho trần và tường

– Vì có đặc tính cách nhiệt nên tấm thạch cao được sử dụng rộng rãi cho trần và tường nội thất để ngăn ngừa hỏa hoạn. Hơn nữa, nó cũng rất thường được dùng như là phần bọc ngoài của các cấu trúc cao tầng nhằm ngăn ngừa thiệt hại trong trường hợp có cháy. Tấm thạch cao có khả năng chịu đựng được lửa trong hơn 3 giờ đồng hồ.

– Một chức năng khác nữa là cách âm. Tấm thạch cao có khả năng làm giảm đi âm thanh từ khoảng giữa 35-60dB. Đây chính là lý do vì sao các rạp hát, nhà máy… thường chọn tấm thạch cao cho hệ thống cách âm.

An toàn sức khoẻ và môi trường

Không độc hại: Tấm thạch cao không chứa hỗn hợp Ami-ăng và chất gây ung thư. Trong trường hợp hỏa hoạn, tấm thạch cao sẽ không sản sinh ra khí độc hại. Vì thế tấm thạch cao bảo đảm một môi trường khỏe mạnh và an toàn.

Dễ dàng lắp đặt: tấm thạch cao có thể dễ dàng lắp ráp với khung thép, khung gỗ hoặc có thể dễ dàng ghép vào tường bê-tông bằng một hợp chất keo dính (Dri-wall Adhesive), đồng thời dễ dàng sửa chữa với những nơi bị hư hỏng mà không phải thay toàn bộ tấm, giúp tiết kiệm thời gian cũng như kinh phí.

Trọng lượng nhẹ: Trọng lượng tấm thạch cao chỉ vào khoảng 6.5-9.5kg/m2, rất dễ dàng vận chuyển, xử lý hoặc lưu kho mà không cần phải thay đổi kết cấu.

Quy cách chung

Tấm thạch cao có 2 kiểu cạnh chính, phù hợp với các mục đích sử dụng khác nhau:Thi công trần nổi (T-Bar), trần chìm và hệ thống tường nội thất.

Tấm cạnh vuông (SE – Square Edge):

Thích hợp thi công trần nổi (T-Bar) và hệ thống tường nội thất – không cần xử lý mối nối giữa hai tấm thạch cao.

Tấm cạnh vát (RE – Recessed Edge, TE – Tapered Edge):

Thích hợp cho thi công các loại trần và tường nội thất cần bề mặt phẳng – phải xử lý mối nối giữa hai tấm thạch cao bằng bột thạch cao xử lý mối nối chuyên dùng.

Lưu ý:

– Tấm thạch cao là loại vật liệu kỵ nước. Do vậy, trước khi thi công cần phải kiểm tra toàn bộ mái và hệ thống nước trong nhà, tránh sự rò rỉ của nước xuống hệ thống trần và tường thạch cao.

– Trần thạch cao có tính bền vững, nếu thi công đúng kỷ thuật, tuổi thọ trung bình của trần thạch cao trên 10 năm.

– Thạch cao vẫn bị co ngót vật liệu, cho nên phải chấp nhận hiện tượng nứt trần ở các chỗ trét mastic khi thi công trần khung chìm hoặc tường nội thất. Những vết nứt này có khi chỉ giống như một sợi tóc chạy ngang, nhưng sẽ tạo sự khó chịu cho chủ nhân và lâu ngày vết nứt sẽ lớn dần, mất thẩm mỹ. Do vậy đễ hạn chế hiện tượng này, cần phải thi công đúng yêu cầu kỹ thuật, xử lý mối nối giữa hai tấm thạch cao bằng bột chuyên dùng, trong trường hợp cần thiết, nên tham khảo ý kiến của nhà phân phối.

Phân loại:

A. Thạch cao chịu nước và chống cháy :

Đặc tính

Được làm bằng bột thạch cao trộn lẫn với thủy tinh để tạo đặc tính chống cháy. Giấy bao thạch cao được thiết kế để cách nhiệt từ 1-3 h.

Tấm thạch cao chịu nước dùng cho trang trí trần và vách ngăn, rất tiện dụng vì có những đặc tính như: siêu nhẹ với công nghệ tạo bọt thạch cao, không bắt lửa, không lan truyền lửa, ngăn cháy, không sinh ra khói bụi như tấm bao giấy hoặc phủ các loại vật liệu khác và không phát nóng khi ngăn cháy, ngăn ngừa được nấm mốc.

Công dụng

Dùng để lắp đặt tại các khu vực có yêu cầu ngăn cháy như: lối thoát hiểm, nhà kho, nhà hát… Dùng để bao phủ bên ngoài cấu trúc khung thép nhằn ngăn chặn sự biến dạng của cấu trúc này trong trường hợp hỏa hoạn.

Tấm thạch cao chống cháy có khả năng chống cháy lên đến 2 tiếng tùy theo chiều dày cũng như số lớp tấm lắp đặt cho vách. Loại tấm chống cháy thường được sử dụng cho khu vực thoát hiểm và phòng lưu trữ dữ liệu, thông tin.

B. Thạch cao cách âm:

Đặc tính

Sản phẩm được sản xuất dựa trên công nghệ đặc biệt với lớp giấy phản âm Glass Matt và cấu trúc lỗ hổng tròn. Mức độ cách âm của vách và trần thạch cao phụ thuộc vào chiều dày tấm cũng như số lớp lắp đặt cho vách và trần. Khả năng tiêu âm lên đến hơn 70%.

Công dụng

Những sản phẩm này thích hợp cho các không gian như chiếu bóng, phòng sinh hoạt, phòng ngủ, phòng hội họp… và cả những căn hộ tiếp xúc trực tiếp tiếng ồn, công trình gần đường giao thông có yêu cầu cao về vật liệu cách âm.

Dễ sử dụng, không hại sức khỏe và thân thiện môi trường, bền và nhẹ.

Chất lượng (hiệu quả)giảm âm: Được gia cường bằng vải thủy tinh nên tạo cho tấm thạch cao tiêu âm đạt được tỷ lệ giảm tiếng ồn vượt mức 0.6 NRC.

Nguồn: VLXD.org

Bình luận
Tin liên quan