Tái cấu trúc ngành xi măng để phát triển bền vững (P1)

Đầu tư công nghệ hiện đại

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn cả nước hiện có 71 dây chuyền sản xuất xi măng đang hoạt động với tổng công suất là 73,45 triệu tấn. Ngoài ra, theo kế hoạch, cuối năm 2014 sẽ có 4 nhà máy xi măng mới được đưa vào hoạt động (Công Thanh, Đồng Lâm, Thạch Mỹ, Trung Sơn) với tổng công suất là 7,5 triệu tấn. Dự kiến đến năm 2015, công suất của các nhà máy xi măng trên cả nước sẽ đạt khoảng 81 triệu tấn.

Dây chuyền nhà máy xi măng Hạ Long được đầu tư thiết bị đồng bộ đồng bộ và áp dụng công nghệ hiện đại của CHLB Đức với công suất thiết kế khoảng 2,3 triệu tấn xi măng/năm.
Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp trong ngành xi măng đã chú trọng đầu tư, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu, công nghệ mới, thiết bị hiện đại trong sản xuất xi măng như Xi măng Sông Gianh, Xi măng Hải Phòng mới, Xi măng Cẩm Phả, Xi măng Thăng Long, Xi măng Hạ Long, Xi măng Thái Nguyên, Xi măng Bình Phước, Xi măng Hà Tiên 2,  Xi măng Chinfon Hải Phòng 2, Xi măng Tây Ninh, Xi măng Nghi Sơn 2, Xi măng Hoàng Thạch 3, Xi măng Bút Sơn 2,… và đã có nhiều công nghệ, kỹ thuật mới, thiết bị hiện đại đã đi vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế, kỹ thuật cao.

Tuy vậy, nhìn tổng thể toàn ngành xi măng Việt Nam hiện nay, có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại trong sản xuất xi măng ở nước ta còn nhiều bất cập như một số nhà máy xi măng lò quay có công suất nhỏ 350-1.000 tấn clinker /ngày, công nghệ lạc hậu, chất lượng thiết bị kém dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp; sản phẩm chất lượng chưa cao, hàm lượng vôi tự do trong clinker còn cao, xi măng đa phần chỉ đạt mác PC40 trở xuống; tiêu hao nhiệt năng, điện năng lớn, thời gian vận hành thiết bị ngắn (ví dụ, lò nung vận hành dưới 300 ngày/năm); nhiều vấn đề môi trường phát sinh trong quá trình hoạt động của các nhà máy xi măng…

Với xu hướng phổ biến hiện nay trên thế giới là dần loại bỏ các công nghệ sản xuất xi măng lạc hậu như công nghệ sản xuất xi măng lò đứng và lò quay phương pháp ướt, áp dụng công nghệ sản xuất lò quay phương pháp khô hiện đại với mức độ cơ giới hóa và tự động hóa cao, tạo ra các sản phẩm xi măng đạt chất lượng cao, tiêu tốn nguyên liệu và năng lượng thấp, đồng thời còn bảo vệ môi trường.

Từ những thực tế trên, đã đòi hỏi ngành xi măng phải có những biện pháp tích cực nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượngbảo vệ môi truờng.


Ngành xi măng sẽ hoàn thành việc chuyển đổi công nghệ các nhà máy sản xuất xi măng lò đứng sang lò quay trước năm 2016.
Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2020-2030, ngành xi măng sẽ phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với công nghệ tiên tiến, sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, tiết kiệm nhiên liệu và tiêu hao năng lượng thấp, bảo vệ môi trường. Trong đó, ưu tiên đầu tư các dự án xi măng ở phía Nam, các vùng có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, có điều kiện phát triển công nghiệp, có điều kiện hạ tầng giao thông.

Trong nội dung Quy hoạch đã có lộ trình từng bước xóa bỏ công nghệ lạc hậu, dự kiến đến năm 2015 không còn sản xuất xi măng lò đứng. Đối với các dự án đầu tư mới phải có công suất tối thiểu 2.500 tấn cllinker/ngày trở lên. Chúng ta cần loại bỏ các dây chuyền sản xuất xi măng công suất thấp, đầu tư mở rộng các dự án có điều kiện về công nghệ, tài chính với công suất lớn, giảm chi phí sản xuất nâng cao chất lượng xi măng, đồng thời bảo đảm tốt vấn đề môi trường.

Để tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành xi măng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan có biện pháp giám sát việc thực hiện các dự án theo đúng tiến độ, chủ động xây dựng các giải pháp bảo đảm cân đối cung – cầu xi măng đáp ứng yêu cầu sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, hiệu quả.

(Còn nữa)

Nguồn: ximang.vn

Bình luận
Tin liên quan