Đẩy mạnh xuất khẩu VLXD, giải quyết bài toán thị trường

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, ở thời điểm này khi thị trường VLXD trong nước gần gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ thì xuất khẩu VLXD sẽ là hướng đi đúng và cần thiết giúp giảm áp lực tiêu thụ trong nước, bảo đảm duy trì ổn định sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thực tế thời gian qua, có nhiều DN trong ngành đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường theo hướng này và bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Đơn cử phải kể đến một số đơn vị thuộc lĩnh vực gốm sứ như: Viglacera, Vinaconex, Hoàng Gia, Hồng Hà, Taicera, ToTo… đã đi tiên phong trong xuất khẩu VLXD thông qua các hình thức tham gia hội chợ quốc tế, chào hàng ra nước ngoài… Tới nay, các sản phẩm gốm sứ xây dựng Việt Nam đã có mặt ở trên 40 quốc gia trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam chia sẻ, tìm cơ hội xuất khẩu VLXD là điều các DN nên quan tâm, bởi phần nào giúp giải quyết khó khăn hiện nay; việc xuất khẩu có thể lãi không nhiều nhưng nó giúp giải quyết bài toán thị trường và thông qua đó sẽ giúp DN trong nước từng bước phát triển, thích nghi và hòa nhập với thị trường quốc tế.


Trung Đông hiện là một trong những thị trường tiềm năng cho việc xuất khẩu VLXD của Việt Nam

Tại thời điểm này, thị trường Trung Đông cũng là một trong những thị trường tiềm năng cho việc xuất khẩu VLXD của Việt Nam. Ông Trần Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) – cho hay, hầu hết các nước Trung Đông đều có nhu cầu rất lớn với VLXD. Để xuất khẩu VLXD vào thị trường tiềm năng này, các DN Việt Nam cần tích cực hơn trong triển khai các hoạt động khảo sát, nghiên cứu thị trường, cũng như đáp ứng đúng quy định về tiêu chuẩn chất lượng, bảo vệ môi trường… Ngành VLXD cần có chiến lược, tổ chức mạng lưới xuất khẩu vào các thị trường lớn và có tiềm năng như: châu Phi, châu Mỹ, châu Á, Trung Đông…

Mặt dù, xuất khẩu VLXD đang tiến triển tốt, khối lượng xuất khẩu lớn và Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát huy tiềm năng xuất khẩu VLXD, tuy nhiên hiện tại để phát triển mạnh thị trường này vẫn còn có một số vướng mắc: cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước cho xuất khẩu VLXD còn hạn chế do nguồn lực tài chính có hạn; giá trị của các mặt hàng xuất khẩu còn thấp làm giảm khả năng cạnh tranh so với các nước.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, các DN ngành VLXD cần chủ động tái cấu trúc để hình thành các tổ hợp sản xuất – kinh doanh VLXD có đủ sức mạnh tài chính, sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn, đủ điều kiện hòa nhập vào thị trường quốc tế. 

Nguồn: VLXD.org

Bình luận
Tin liên quan