Ấn định thời điểm khai tử xi măng lò đứng

Đây là một trong những nội dung của Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 880/QĐ-TTg vừa được Bộ Công Thương công bố ngày 7/7.

Cùng với việc chuyển đổi toàn bộ các dây chuyền sản xuất xi măng từ lò đứng sang lò quay, ngành xi măng phải cân đối năng lực đồng bộ giữa nghiền xi măng với sản xuất clinker, giữa các vùng với mức cao nhất.


Xi măng lò đứng tiêu hao nhiên liệu lớn, hiệu quả kinh tế thấp     

Đồng thời lựa chọn mô hình đầu tư hợp lý, tiếp tục phát triển sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành sản xuất vật liệu xây dựng giai đoạn đến năm 2020 đạt 8 – 9% và giai đoạn đến năm 2030 đạt 6 – 7%.

Năm 2020 tỷ trọng ngành sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 5 – 6% và năm 2030 chiếm 4 – 5% trong cơ cấu ngành công nghiệp; đáp ứng khoảng 90% nhu cầu thị trường trong nước về các sản phẩm xây dựng thông thường; năm 2030 đáp ứng 95 – 100%.

Để thực hiện đúng lộ trình chuyển đổi dây chuyền xi măng từ lò đứng sang lò quay, một số địa phương đã và đang triển khai dự án đầu tư chuyển đổi. Tuy nhiên, đã có không ít khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chuyển đổi.

Đơn cử như Dự án xi măng 12/9 tại Nghệ An cũng đang khó khăn về vốn trong quá trình đầu tư chuyển đổi từ lò đứng sang lò quay, nâng công suất từ 90.000 tấn xi măng/năm lên 55.000 tấn/năm.

Kết quả là Dự án triển khai 4 năm vẫn chưa xong và không biết khi nào sẽ xong.

Theo Bộ Xây dựng, chuyển đổi xi măng lò đứng sang lò quay là việc không thể không làm. Hầu hết các dây chuyền xi măng lò đứng đều được đầu tư từ thập niên 90, với những hạn chế là công nghệ lạc hậu, lãng phí năng lượng, gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp.

Ngành xi măng hiện có hơn 70 dây chuyền xi măng lò quay đang sản xuất, tổng công suất là khoảng 74 triệu tấn.

Nguồn: Báo Đầu tư

Bình luận
Tin liên quan