Dựa vào tình hình sản xuất, tiêu thụ vôi tại các vùng, các địa phương trong giai đoạn vừa qua và dựa vào quy hoạch phát triển của các ngành, các lĩnh vực sản xuất có sử dụng vôi trong giai đoạn từ nay đến 2020 và 2030, tình hình phân bố khoáng sản đá vôi cả nước, các đánh giá đều cho thấy thị trường sản xuất, tiêu thụ vôi trong các giai đoạn tới sẽ phát triển sôi động; tập trung ở một số khu vực trọng điểm.
Đồng bằng sông Hồng
Là một vùng có tiềm năng lớn về đá vôi và cơ sở hạ tầng khá thuận lợi, có cảng biển nên thuận lợi cho việc xuất khẩu. Đây cũng là vùng có sản lượng gạch bê tông khí chưng áp lớn nhất cả nước và có nhiều nhà máy nhiệt điện; đồng thời thuận lợi về vận tải thủy nên khu vực này cũng có thể sản xuất để đáp ứng nhu sử dụng cầu vôi của các ngành quan trọng như: sản xuất gang, thép, giấy và vật liệu xây dựng ở các vùng khác. Do vậy vùng Đồng bằng sông Hồng là thị trường trọng điểm lớn nhất cả nước.
Trung du và miền núi phía Bắc
Là một vùng có nguồn nguyên liệu đá vôi lớn nhất cả nước. Tuy nhiên sản xuất vôi trong vùng chưa phát triển nhiều do nhu cầu không cao. Sản lượng vôi trong vùng chủ yếu phục vụ cho Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, sản xuất giấy, nhiệt điện, sản xuất gạch không nung và sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn đầu với một số dự án đầu tư như giai đoạn 2 gang thép Thái Nguyên, nhà máy gang thép Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang. Vì vậy nhu cầu vôi sẽ tăng nên đòi hỏi sản xuất vôi phải phát triển theo đáp ứng nhu cầu.
Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung
Đây cũng là vùng có điều kiện thuận lợi về nguồn nguyên liệu đá vôi, có cơ sở hạ tầng tương đối tốt. Vôi sản xuất ở vùng này chủ yếu dùng để luyện thép, luyện Alumin, xử lý khí thải nhiệt điện. Ngoài ra đây là vùng sản xuất mía đường lớn nhất cả nước. Trong giai đoạn từ nay đến 2025, nhiều dự án sản xuất gang thép tại khu vực này được đầu tư như ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa. Trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước giai đoạn tới, nhà nước có những ưu tiên nhất định cho khu vực này. Dự báo đây sẽ là vùng sản xuất và tiêu thụ vôi lớn thứ 2 trong cả nước.
Đông Nam Bộ
Nếu dự án nhà máy thép tại Bình Dương được xây dựng thì nhu cầu vôi sẽ tăng đang kể ở vùng này do thời gian qua chỉ sản xuất vôi tại có Bà rịa Vũng tàu và nguồn đá vôi ở đây không lớn. Vì vậy đây là vùng bị hạn chế và có thể được điều tiết bước các nguồn khác trên phạm vi cả nước.
Đồng bằng sông Cửu Long
Nhu cầu vôi ở đây khá lớn cho cải tạo ruộng, xử lý đất phèn chua, nuôi trồng thủy sản. Nguồn nguyên liệu ở đây bị hạn chế nên chủ yếu đáp ứng nhu cầu của tỉnh Kiên Giang là chính. Nhưng vùng này cũng có lợi thế xuất khẩu sang thị trường Campuchia, và đặc biệt là Thái Lan, là thị trường có thể yêu cầu các sản phẩm vôi chất lượng cao.
Qua các phân tích đánh giá sơ bộ ở trên, có thể thấy rõ trong giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo của Việt Nam, vôi công nghiệp là một sản phẩm thiết yếu, quan trọng, hỗ trợ cho các ngành công nghiệp khác phát triển. Các nhà máy, chủ đầu tư có ưu thế về nguyên liệu, công nghệ, thiết bị… cần có những bước chuẩn bị, để sẵn sàng đầu tư, gia nhập thị trường.
Nguồn: ximang.vn