VLXD rục rịch tăng giá theo cước vận tải

Sau lệnh tổng kiểm tra trọng tải trên các quốc lộ của Bộ Giao thông Vận Tải từ 1/4, nhiều doanh nghiệp vận tải đã quyết định tăng cước phí gấp đôi so với trước. Với lý do này, nhiều doanh nghiệp, đại lý sắt thép, vật liệu xây dựng đang xem xét để đưa ra mức giá mới phù hợp.

Khảo sát của PV tại một số đại lý chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng tại TP HCM, hầu hết các chủ đại lý cho biết chưa có thông báo chính thức, nhưng cũng đã nhận được lời nhắn nhủ của chủ doanh nghiệp cung cấp hàng, có thể một tuần nữa giá hàng hóa sẽ đồng loạt tăng.

Chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) cho hay, hiện hàng tồn kho còn nhiều nên giá vẫn chưa tăng, tuy nhiên mới đây doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng đã nhắc nhở thời gian tới giá sẽ nhích lên khoảng 10-20% do cước phí vận chuyển tăng.

“Siết chặt kiểm tra trọng tải là việc làm tốt. Tuy nhiên, nó sẽ tác động một phần đến giá cả sản phẩm. Do vậy, thời gian tới giá sản phẩm có tăng cũng mong người tiêu dùng chia sẻ”, chủ đại lý trên nói.

 

Vật liệu xây dựng rục rịch chờ tăng theo giá cước vận tải.

Chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Lương Định Của (quận 2) cũng cho biết, hơn tuần nay một số doanh nghiệp vận tải vẫn hay chở hàng cho ông nói về việc tăng giá vận chuyển sắp tới. Cộng chi phí tăng thêm này vào, chủ cửa hàng dự báo giá bán có thể tăng trong khoảng 5-10%.

Một nhà phân phối vật liệu xây dựng tính toán, 1m2 gạch Ceramic nặng 21kg vận chuyển từ Thái Bình đi Đà Nẵng, cước phí lâu nay là 400.000 đồng một tấn, tính ra chủ hàng trả 8.000 đồng một m2. Nếu cước phí vận tải tăng gấp đôi, lên 800.000 đồng một tấn, tương đương 16.000 đồng một m2, giá bán gạch Ceramic chắc chắn phải tăng theo nếu không muốn thua lỗ.

Về phía doanh nghiệp, ông Nam – Giám đốc Công ty TNHH thép Nam Thành Vinh cho biết, từ khi giá cước vận tải tăng, toàn bộ hàng hóa tại công ty ông đều tăng từ 5-7%. Cụ thể, giá xi măng trước đây một bao 50kg là 83.000 đồng nay lên 85.000 đồng, mỗi khối cát, gạch tăng thêm 10.000 đồng.

Bên cạnh đó, ông Nam cho biết, giá tăng khiến công ty chịu thiệt thòi, bởi lẽ các hợp đồng dài hạn của công ty đã ký với đối tác là giá cũ, nên khi có biến động công ty buộc phải bù lỗ chứ không thể tăng theo thị trường.

Nguồn: VnExpress

Bình luận
Tin liên quan