TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhận xét vật liệu xây dựng (VLXD) sẽ là 1 trong 4 ngành hồi phục mạnh trong năm nay cùng với hàng tiêu dùng, viễn thông và dịch vụ. Trong quá trình hồi phục, các doanh nghiệp (DN) nội sẽ phải cạnh tranh rất quyết liệt với bên ngoài, nhất là hàng Trung Quốc.
Đội lốt hàng ngoại
Tại các khu vực chuyên bán VLXD ở TP HCM như đường Thành Thái, Lý Thường Kiệt, Bạch Đằng…, VLXD và hàng trang trí nội thất rất phong phú với nhiều mẫu mã đa dạng được người bán giới thiệu là hàng Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia… nhưng thực chất là hàng Trung Quốc.
Vật liệu xây dựng, hàng trang trí nội thất do Trung Quốc sản xuất đang chiếm lĩnh thị trường.
Tại cửa hàng T.D trên đường Tô Hiến Thành (quận 10), biết chúng tôi tìm mua gạch lót nền, người bán dẫn sâu vào trong nhà nơi có cả trăm mẫu gạch được trưng bày. Ngoài vài mẫu gạch của Ý, số còn lại đều là gạch Trung Quốc có giá bán từ 200.000-600.000 đồng/m2. Đủ loại gạch từ bóng kiếng, bóng mờ, hoa văn nổi, chìm với nhiều gam màu tối sáng, loại nào cũng có từ phân khúc bình dân đến cao cấp. Có cả những viên gạch do Trung Quốc sản xuất mô phỏng hoa văn giống như tấm thảm của Ý, hình hoa tứ bình, Phúc Lộc Thọ… được hét giá 5 triệu đồng/viên.
Nghe chúng tôi hỏi mua gạch nội, người bán thấy lạ đáp: Giờ có ai dùng gạch nội, mà giá gạch nội đắt hơn gạch Trung Quốc từ 30%-50% nên nhiều cửa hàng chỉ bán gạch Trung Quốc. “Em cho chị đi hết khu này cũng không tìm được gạch lót nền hàng Việt” – chủ cửa hàng khẳng định.
Ông Trung, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh sỉ, lẻ các loại đèn trang trí nội thất trên đường Thành Thái (quận 10), giới thiệu chiếc đèn có 15 bóng mờ hiệu SANO của Tây Ban Nha, giá 39 triệu đồng. “Đèn này mà Tây Ban Nha gì?”, chúng tôi thắc mắc. Ông Trung thừa nhận đây là hàng Trung Quốc nhưng mọi thông tin đều ghi của Tây Ban Nha để… dễ bán. Theo ông Trung, đèn LED trang trí được bán trên thị trường hiện có tới 99% là hàng Trung Quốc nhưng để dễ tiêu thụ, người bán lập lờ thành hàng Ý, Malaysia, Đài Loan, Tiệp, Pháp bằng cách mọi thông số về quy cách, xuất xứ… đều bằng tiếng Anh. “Nếu là hàng Ý hay Tây Ban Nha thật, giá phải trên 200 triệu đồng và người mua phải chờ cả tháng mới có hàng về” – ông Trung nói.
Hồi phục trong khó khăn
Theo các chủ cửa hàng, hàng VLXD của Trung Quốc rất bắt mắt, giá rẻ và phong phú về mẫu mã. Hiệp hội Gốm sứ Việt Nam từng nhiều lần kiến nghị về tình trạng gian lận thương mại của hàng Trung Quốc nhưng đến nay, hàng Trung Quốc vẫn có sức hút lớn với thị trường. Đây cũng là lý do khiến ngành sản xuất gạch ốp lát trong nước lâm vào tình trạng khó khăn, nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản.
Với ngành thép, ông Lê Phước Vũ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tôn Hoa Sen – cho biết cộng đồng DN nội đang phải đối mặt với các sản phẩm thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Sự tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng của kinh tế Trung Quốc làm dư thừa nguồn cung các sản phẩm thép nên DN nước này đang tìm mọi cách xuất khẩu, trong đó có Việt Nam, làm tăng sự cạnh tranh trên thị trường nội địa. Ngoài ra, với tình trạng đóng băng kéo dài của thị trường bất động sản, tiếp tục giảm đầu tư công, ngành VLXD, trong đó có thép, vẫn phải đối mặt với xu hướng nhu cầu giảm sút, tạo thách thức lớn cho DN.
Thống kê của Viện Gang thép Đông Nam Á cho thấy năm 2013, Việt Nam là nước có số lượng các dự án thép mới lớn nhất trong khu vực. Điều này làm tăng nguồn cung sản phẩm trong khi sức mua nội địa yếu khiến các DN cạnh tranh gay gắt hơn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết ngay đầu tháng 3-2014, sẽ tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh VLXD nhằm giúp giải tỏa khối lượng lớn VLXD của TP HCM và cả nước. Phải có sự liên kết của các tổ chức tín dụng và DN sản xuất, kinh doanh mới hy vọng giải quyết được lượng hàng tồn kho lớn của ngành này.
Nên đẩy mạnh xuất khẩu
Theo lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam, thị trường xuất khẩu là miếng bánh khổng lồ giúp DN thép mở rộng và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ. Tuy vậy, các DN phải có sản phẩm chất lượng tốt với giá cạnh tranh, rút ngắn thời gian giao hàng. Cần có chiến lược truyền thông và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tại những thị trường tiềm năng. DN nên chủ động tìm hiểu kỹ các quy định quốc tế để sẵn sàng ứng phó với những động thái bảo hộ thương mại, chống bán phá giá… tại các nước nhập khẩu. “Cơ hội từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang đàm phán, tham gia là rất lớn để giúp DN tiến vào nhiều thị trường tiềm năng như Mỹ, Canada, Mexico, Úc…” – ông Lê Phước Vũ nói.
Nguồn: Người lao động