VIBM và ThyssenKrupp ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực xi măng xanh

Ngày 11/5, tại Hà Nội, Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) và Công ty TNHH ThyssenKrupp Industrial Solutions Việt Nam đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên về nghiên cứu tận dụng rác thải thay thế nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất xi măng dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Xây dựng và các cơ quan trực thuộc.

Tại cuộc họp, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, ngành công nghiệp xi măng Việt Nam phát triển đứng thứ 5 Thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga. Chỉ trong 10 năm lĩnh vực xi măng tăng trưởng hơn gấp 2 lần, sản lượng 45 triệu tấn năm 2010 tăng lên hơn 100 triệu tấn năm 2021, đưa Việt Nam từ nước phải nhập khẩu xi măng trở thành nước xuất khẩu xi măng trên Thế giới.

Ngành công nghiệp xi măng Việt Nam đã có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền kinh tế, ngày càng phát triển theo hướng bền vững trên quan điểm tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, sử dựng chất thải trong sản xuất xi măng…
 


Viện Vật liệu xây dựng và Công ty TNHH Thyssenkrupp Industrial Solutions (Việt Nam) ký Biên bản ghi nhớ hợp tác.
Phát biểu của tại buổi ký kết, Tổng Giám đốc Thyssenkrupp Việt Nam, ông Lukas Schoeneck cho biết, Công ty Thyssenkrupp rất mong muốn hợp tác với Viện Vật liệu xây dựng và Bộ Xây dựng để phát triển ngành xi măng xanh và sạch. Để làm cho ngành xi măng trở nên sạch hơn, hai bên cần giải quyết được 3 vấn đề chính.

Thứ nhất, khối lượng rác thải trên Thế giới và tại Việt Nam là rất nhiều, trong khi giá than ngày càng tăng cao. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng chính rác thải để sản xuất clinker. 

Vấn đề thứ hai là sự thay thế clinker trong xi măng. Để giảm thiểu hàm lượng clinker trong xi măng, các đơn vị sản xuất tại Việt Nam đã cố gắng đưa thêm tro bay và thạch cao vào thành phần sản xuất xi măng. Tuy nhiên, với công nghệ mới nhất của Thyssenkrupp, một sản phẩm mới sẽ thay thế clinker có trong xi măng là sét hoạt tính.

Một vấn đề rất quan trọng khác là thu hồi khí CO2 thải ra ngoài không khí trong quá trình sản xuất xi măng. 

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050. Trong đó, quan điểm phát triển ngành công nghiệp xi măng là tiết kiệm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính và tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh sử dụng tối đa các chất thải, phế thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và chất thải sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia cho quá trình sản xuất xi măng.

Chính vì vậy, Bộ Xây dựng rất hy vọng và tin tưởng sự hợp tác giữa Viện Vật liệu xây dựng và Công ty Thyssenkrupp sẽ sớm thúc đẩy nhiều giải pháp thiết thực vào ngành sản xuất xi măng của Việt Nam.

Biên bản ghi nhớ đã nêu rõ các nội dung hợp tác mà hai bên cùng hướng tới.

Một là hợp tác nghiên cứu và ứng dụng nhiên liệu thay thế để tận dụng rác thải và chất thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt thay thế nhiên liệu hóa thạch (như than đá) trong sản xuất xi măng.

Hai là hợp tác nghiên cứu và triển khai công nghệ hệ thống thu hồi nhiệt khí thải trong sản xuất clinker. 

Ba là hợp tác nghiên cứu và ứng dụng giải pháp công nghệ tiên tiến để tăng cường hiệu suất nghiền. 

Bốn là hợp tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ giảm phát thải CO2 bằng phương pháp tăng tỉ lệ thay thế clinker (sét hoạt tính) trong sản xuất xi măng.

Năm là hợp tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ giảm phát thải trong quá trình sàn xuất xi măng bằng phương pháp thu hồi carbon. 

Sáu là tư vấn trong công tác lập dự án đầu tư, thiết kế, giám sát thi công đối với các dự án dầu tư mới, cải tạo nâng cấp; Tư vấn, đánh giá hiệu quả các biện pháp xử lý khí thải, thực hiện các thủ tục theo quy định bảo vệ môi trường, kiểm kê khí thải nhà kính, thực hiện lập báo cáo quan trắc môi trường định kỳ; Tư vấn lựa chọn phụ gia, phụ gia công nghệ cho xi măng.

Hai bên đã cam kết cho phép, tạo điều kiện thuận lợi cho các phòng, ban và đơn vị trực thuộc của hai bên trao đổi thông tin, phối hợp xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện chương trình hợp tác. Các dự án nghiên cứu chung sẽ được tiến hành trên nguyên tắc tôn trọng ý tưởng nghiên cứu và quyền sở hữu trí tuệ của nhau, tôn trọng bản quyền và bằng phát minh sáng chế cùng đóng góp nguồn lực để hình thành sản phẩm nghiên cứu chung.

 
CCBM
Bình luận
Tin liên quan