Cải tiến công nghệ nhà máy Xi măng Lam Thạch phù hợp định hướng phát triển xi măng

Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh về việc đầu tư, cải tiến công nghệ nhà máy Xi măng Lam Thạch.

Theo đó, ngày 24/11/2021 Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 2188/QNC-KTKH của Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh kèm văn bản số 8355/UBND-XD5 ngày 22/11/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo Bộ Xây dựng xin ý kiến về đầu tư, cải tiến công nghệ nhà máy Xi măng Lam Thạch.

Sau khi nghiên cứu các văn bản và kiểm tra thực tế, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

Căn cứ điểm a khoản 1 Phụ lục I Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, quy định:

“Đến năm 2025, các nhà máy xi măng hiện có công suất nhỏ hơn 2.500 tấn clinker/ngày, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu và năng lượng lớn, phải đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường”.

Do vậy, chủ trương đầu tư, cải tiến công nghệ nhà máy Xi măng Lam Thạch là phù hợp với định hướng phát triển xi măng trong nội dung của chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng lưu ý, chủ đầu tư dự án đầu tư, cải tiến công nghệ nhà máy Xi măng Lam Thạch phải thực hiện theo các nội dung yêu cầu tại văn bản số 8355/UBND-XD5 ngày 22/11/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh;

Tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, Nghị định 09/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng và Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng; đồng thời phải tuân thủ các quy định tại khoản 1 Phụ lục I Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, về công nghệ, dự án sử dụng thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến với mức tự động hóa cao, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất để đạt được các chỉ tiêu kỹ thuật…

Bên cạnh đó, về nguyên liệu đề nghị chủ đầu tư khai thác, sử dụng nguyên liệu đá vôi, sét tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản.

Rà soát, tìm kiếm bổ sung nguồn nguyên liệu đá vôi, sét cho dự án để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các dây chuyền của dự án hoạt động ổn định sau cải tạo.

Sử dụng nguyên liệu thay thế, đến năm 2025, sử dụng tối thiểu 20%; đến năm 2030, sử dụng tối thiểu 30% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clanhke và làm phụ gia trong sản xuất xi măng.

Sử dụng nhiên liệu thay thế lên đến 45 – 50% tổng nhiên liệu dùng để sản xuất clinker xi măng (đảm bảo mục tiêu trong dự án). Đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Được biết, nhà máy Xi măng Lam Thạch nằm trong Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011.

Theo đó, nhà máy gồm 02 dây chuyền với công suất thiết kế 450.000 tấn xi măng/năm/dây chuyền.

CCBM

Bình luận
Tin liên quan