Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 38/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.
Tuy nhiên, hoạt động khoáng sản và công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản còn một số tồn tại, hạn chế như: vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư cho công tác an toàn và bảo hộ lao động, đầu tư công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến gắn với công tác bảo vệ môi trường; chưa thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ sau khi kết thúc khai thác theo quy định; hoạt động khai thác trái phép chưa được ngăn chặn triệt để, nhất là khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông còn diễn biến phức tạp; công tác cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa nhiều; tình trạng vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép chưa được khắc phục triệt để.
Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là đối với hoạt động khai thác cát, sỏi. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác có liên quan của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản; thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án khai thác khoáng sản, đảm bảo giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường khu vực khai thác; kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, đóng cửa mỏ khoáng sản. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp khai thác vượt phạm vi khu vực được cấp phép, gây ô nhiễm môi trường. Từng bước xây dựng hệ thống kiểm soát hoạt động khoáng sản bằng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh có liên quan trong việc lựa chọn các khu vực đã xác định được trữ lượng, tài nguyên khoáng sản, thuộc quy hoạch khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản, khu vực liên quan đến quy hoạch rừng tự nhiên để đẩy mạnh công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng
Quy hoạch công suất khai thác đối với từng mỏ, từng khu vực khoáng sản phải có tính dự báo cao về thị trường, có công suất tối đa, tối thiểu gắn với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Xem xét, bổ sung đưa vào danh mục không xuất khẩu một số loại khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng để phục vụ nhu cầu trong nước; hạn chế đầu tư mở rộng, nâng công suất các dự án xi măng tại các thành phố lớn, khu vực tập trung dân cư, các khu vực cảnh quan, môi trường thiên nhiên cần được bảo vệ. Rà soát, ban hành quy định về chỉ tiêu kỹ thuật để xuất khẩu đá khối, đá ốp lát; cát trắng silic và cát vàng khuôn đúc sau tuyển, chế biến trên cơ sở cân đối nhu cầu trong nước và đảm bảo dự trữ khoáng sản. Rà soát, ban hành đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật đối với các loại vật liệu thay thế cát xây dựng; đảm bảo cân đối cung – cầu vật liệu xây dựng trong nước.
Chỉ bổ sung vào Quy hoạch dự án chế biến khoáng sản có công nghệ chế biến tiên tiến
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu khoáng sản cho phát triển kinh tế – xã hội. Quy hoạch công suất khai thác đối với từng mỏ, từng khu vực khoáng sản phải có tính dự báo cao về thị trường, có công suất tối đa, tối thiểu gắn với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Chỉ bổ sung vào Quy hoạch đối với những dự án chế biến khoáng sản được gắn với nguồn nguyên liệu khoáng sản, có công nghệ chế biến tiên tiến, thu hồi tối đa khoáng sản, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Rà soát, ban hành quy định về chỉ tiêu chất lượng xuất khẩu gắn với quy trình tuyển, chế biến phù hợp theo từng giai đoạn đối với một số loại khoáng sản có quy mô lớn, nhu cầu trong nước không cao; năng lực, công nghệ chế biến trong nước còn hạn chế, ảnh hưởng xấu đến môi trường, đảm bảo hiệu quả kinh tế và dự trữ như: titan sa khoáng, đất hiếm; xuất khẩu quặng tinh đối với các mỏ khoáng sản quy mô nhỏ, chất lượng thấp, phân bố ở vùng sâu, khu vực biên giới, vận chuyển về các trung tâm chế biến tập trung khó khăn, giá thành cao, gây hư hại đường giao thông. Đề xuất chính sách cho phép xuất – nhập khẩu một số loại khoáng sản, đáp ứng nhu cầu trong nước; không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách xuất, nhập khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép khoáng sản qua biên giới.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu các loại khoáng sản
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát tổng thể chính sách tài chính về khoáng sản (thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, phí và lệ phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản), nhất là đối với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, đề xuất điều chỉnh chính sách tài chính phù hợp với thực tế, thúc đẩy phát triển, khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế cát, sỏi lòng sông; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ kế toán đối với việc kinh doanh cát, sỏi lòng sông; xử lý tình trạng hợp pháp hóa, hợp thức hóa chứng từ đầu vào đối với việc sử dụng cát, sỏi lòng sông tại các công trình, dự án; phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản kiểm soát chặt chẽ nguồn thu từ khoáng sản thông qua sản lượng khai thác thực tế của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Chỉ đạo lực lượng Hải quan tăng cường công tác phân luồng, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu các loại khoáng sản theo quy định.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, các đơn vị liên quan phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép, xuất khẩu lậu khoáng sản qua biên giới, đặc biệt là thông qua đường biển. Phối hợp với các bộ, ngành trong việc lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng liên quan ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường; vận chuyển, tập kết, kinh doanh và sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt là đối với cát, sỏi lòng sông, than, titan…; các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, xuất, nhập khẩu khoáng sản trái phép.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền đã phê duyệt trước ngày 01/01/2019 để xây dựng nội dung Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn trong quy hoạch tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ có liên quan để xác định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản; rà soát quy hoạch rừng tự nhiên.
Kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình cấp phép thăm dò, khai thác đối với các khu vực khoáng sản đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định, công bố là khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; rà soát, đánh giá tình hình nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn, trong đó bao gồm các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hàng năm theo quy định, tổng hợp, báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, tập trung vào công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là hoạt động khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông; kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật; xử lý nghiêm hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép; rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực theo quy định.
Xử lý nghiêm hành vi khai thác khoáng sản trái phép
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường thuộc Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan, chính quyền các cấp ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt là khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn. Nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, khai thác khoáng sản trái phép.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn.
Theo VLXD.org