Sản xuất xi măng tiết kiệm năng lượng
Quy hoạch đề ra nhiệm vụ nâng cao chất lượng sản phẩm xi măng, đa dạng hóa các chủng loại xi măng đáp ứng các nhu cầu xây dựng đặc biệt như: xi măng mác cao, xi măng cho công trình biển, xi măng giếng khoan dầu khí, xi măng bền xâm thực và các loại xi măng khác.
Trong giai đoạn 2020 – 2030, đầu tư sản xuất xi măng theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nghiên cứu sử dụng phế thải làm nguyên, nhiên liệu cho sản xuất xi măng; nghiên cứu sản xuất các chủng loại xi măng có tính năng đặc biệt, xi măng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; nghiên cứu giảm tiêu hao năng lượng, nhiên liệu và nhân công trong sản xuất xi măng.
Tận dụng nguyên liệu dư thừa
Đối với vật liệu ốp lát (gạch ốp lát và đá ốp lát tự nhiên), tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất vật liệu ốp lát đến năm 2020 khoảng 570 triệu m2/năm. Trong đó, đối với đá ốp lát tự nhiên phải sử dụng công nghệ khai thác hiện đại, hạn chế tối đa việc nổ mìn khai thác. Đầu tư thiết bị chế biến hiện đại có thể cưa cắt các tấm đá kích thước lớn, nâng cao tỷ lệ thu hồi sản phẩm; có hệ thống mài và đánh bóng tự động.
Khuyến khích các cơ sở sản xuất đá ốp lát liên kết với các cơ sở sản xuất bột đá các bon nát can xi nhằm tận dụng nguyên liệu dư thừa, giảm phế thải và giảm ô nhiễm môi trường.
Đổi mới công nghệ sản xuất gạch
Quy hoạch cũng đề ra, với gạch đất sét nung, không đầu tư các loại lò thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng (lò hoffman) sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí). Khuyến khích đầu tư công nghệ sản xuất gạch đất sét nung kích thước lớn, độ rỗng cao để tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.
Đối với các cơ sở đang sản xuất gạch đất sét nung bằng lò tuy nen, phải tiếp tục đầu tư hoàn thiện và cải tiến công nghệ để giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, tiết kiệm tài nguyên; đối với các tỉnh miền Nam khuyến khích đầu tư công nghệ lò tuy nen sử dụng nhiên liệu trấu và mùn cưa.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu. Cụ thể, các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương; khu vực thị xã, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu chậm nhất phải chấm dứt hoạt động với lò thủ công, thủ công cải tiến trước năm 2016 và chậm nhất vào trước năm 2018 với lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hoá thạch.
Tùy theo điều kiện cụ thể, khuyến khích các địa phương chấm dứt hoạt động đối với các lò vòng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Các cơ sở sản xuất nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi phải xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động với lò thủ công, thủ công cải tiến chậm nhất hết năm 2017; với lò đứng liên tục chậm nhất vào năm 2020.
Nguồn: ximang.vn/TKNL