Nhà thu nhập thấp hấp dẫn người mua

Qua tìm hiểu thì đúng là trên thực tế có nhiều dự án TNT có giá cao hơn nhà thương mại từ 3 – 6 triệu đ/m2 như dự án TNT tại 143 Trần Phú – Hà Đông do Cty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà làm chủ đầu tư có giá tạm tính hơn 16 triệu đ/m2. Nếu so sánh vị trí và giá cả của dự án này với một số dự án khác cùng khu vực như dự án chung cư Viện 103 Văn Quán đang được rao bán trên thị trường từ 13,9 – 14,5 triệu đ/m2… thì đắt hơn vài triệu đồng.

Xuất hiện “giá chênh”

Tuy nhiên, giá thực tế tại những dự án nhà ở thương mại này lại dao động không ổn định theo chiều hướng tăng lên, dẫn đến xảy ra tình trạng mỗi căn hộ có mức chênh lệch lên tới hàng trăm triệu đồng. Ví dụ như, dự án Kim Văn – Kim Lũ, mức giá cho từng tầng, từng căn hộ được niêm yết trên các trang mạng BĐS là giá gốc, nhưng khi khách hàng liên hệ đến thì được biết đó chỉ là giá chủ đầu tư đưa ra, là giá bán ban đầu, chỉ để tham khảo còn nếu mua thì khách hàng phải trả thêm mức giá chênh từ 150 – 200 triệu đồng cho mỗi căn. Cũng tương tự như vậy, dự án VP5 Linh Đàm có giá chênh lên đến 400 triệu đồng cho căn góc, tầng đẹp; dự án CT2 Trung Văn (huyện Từ Liêm) có giá chênh từ 50 – 150 triệu đ/ căn…

Đây cũng là băn khoăn của rất nhiều người khi có nhu cầu thực về nhà ở. Anh Nguyễn Quốc Dũng (Q.Thanh Xuân) cho biết, anh cũng đã tìm hiểu và có ý định mua nhà dự án Kim Văn – Kim Lũ để tiện việc đi lại. Nếu tính với căn hộ tầng 36 ứng với diện tích khoảng 60m2 và giá là 11 triệu đ/m2 thì anh chị sẽ phải trả với số tiền khoảng 660 triệu đồng. Nhưng nếu phải chênh lên khoảng 200 triệu đồng nữa thì giá chính thức anh chị phải trả là gần 900 triệu đồng (gần 15 triệu đ/m2), chưa kể phải đóng 40% giá trị căn nhà thì mới có hợp đồng mua bán để làm thủ tục vay vốn ngân hàng, nên gia đình anh đã chuyển hướng sang các dự án nhà TNT trên địa bàn Hà Nội bởi mức giá được đề xuất hợp lý, chỉ phải trả trước 20% giá trị căn hộ và được vay ưu đãi gói 30 nghìn tỷ đồng…

Giá nhà rục rịch tăng

Theo một số chuyên gia BĐS lý giải, mặc dù dự án nhà TNT được Nhà nước hỗ trợ, không thu tiền đất nhưng DN phải mua đất, làm hạ tầng. Mặt khác, giá nhà TNT cao hơn nhà thương mại còn do chất lượng và mức độ hoàn thiện ngôi nhà (nhà TNT được trang bị nội thất, có thang máy, tủ bếp… thì giá bán sẽ cao hơn) và ở mức chấp nhận được. Trong khi nhà ở thương mại thường ở những khu vực xa tất nhiên sẽ có giá rẻ hơn nhà TNT gần trung tâm. Giá nhà ở thương mại tuy có thấp và cũng được hưởng các gói vay hỗ trợ nhưng khi bán ra người mua phải trả thêm phần chênh lệch khá cao cộng với sự lo lắng về tiến độ, chất lượng, xa trung tâm thì không phải ai có khó khăn về nhà ở cũng tìm đến.

Bên cạnh đó, BĐS mới chỉ có dấu hiệu ấm dần lên, giao dịch tăng nhẹ, thế nhưng giá nhà đất đã rục rịch tăng trở lại, tình trạng giá chênh bắt đầu tái phát tại các dự án nhà thương mại, nếu không cẩn thận sẽ khó tránh khỏi tái diễn việc đầu cơ, BĐS sẽ khó trở về giá trị thực và rất có thể người mua sẽ quay lưng lại thị trường.

Vài năm trở lại đây, việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở TNT đã gắn với quy hoạch phát triển đô thị, từng bước đáp ứng nhu cầu thực tế của các đối tượng khó khăn về nhà ở tại đô thị và được tổ chức quản lý đầu tư xây dựng đúng quy định, bảo đảm chất lượng công trình xây dựng. Các dự án nhà ở TNT được phát triển hài hòa với các dự án nhà ở thương mại, KĐT mới đã bảo đảm cho người có TNT được hưởng các lợi ích từ phúc lợi công cộng và hạ tầng xã hội của khu vực đô thị. Chính vì vậy, hầu hết các dự án nhà TNT được triển khai xây dựng đều được đông đảo người dân lựa chọn đăng ký mua không chỉ bằng niềm tin vào chính sách của Nhà nước, vào chủ đầu tư, chất lượng công trình mà còn là sản phẩm có giá trị thực, phù hợp nhất, thiết thực nhất đối với nhiều người chưa có nhà ở và có khó khăn về nhà ở trong thời điểm BĐS lên xuống thất thường, thật ảo lẫn lộn như hiện nay.

Nguồn: Báo Xây dựng

Bình luận
Tin liên quan