Hội thảo về phát triển công nghệ khoan kích ống ngầm tại Việt Nam

Tham dự Hội thảo về phía Việt Nam có lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện chức năng thuộc Bộ Xây dựng, các trường đại học và Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp quan tâm tới lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật ngầm cho các đô thị Việt Nam; về phía Nhật Bản có ông Okahisa Hirofumi, Cục trưởng Cục thoát nước và xử lý nước thải, cùng các chuyên gia, các kỹ sư đến từ MLIT.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Tiến – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết: Công nghệ khoan kích ống ngầm với những ưu điểm vượt trội so với công tác đào hở đã bước đầu được thực hiện thành công tại tp. Hồ Chí Minh, Huế. Tiềm năng phát triển công nghệ này tại Việt Nam rất lớn, song thực tế thi công của nước ta đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề liên quan tới kiểm tra chất lượng, nghiệm thu, thanh – quyết toán công trình… Do vậy, việc sớm ban hành bộ quy chuẩn cũng như các quy định có liên quan tới quản lý thi công xây dựng, các định mức kinh tế, kỹ thuật khoan kích ống ngầm áp dụng vào điều kiện Việt Nam là hết sức cần thiết. Với sự hỗ trợ quý báu của các chuyên gia MLIT, nhóm nghiên cứu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hội thảo hôm nay là một dịp để các bên liên quan trình bày những kết quả nghiên cứu của mình. Thay mặt Lãnh đạo Bộ, ông Nguyễn Hồng Tiến chân thành cám ơn những đóng góp, chia sẻ mà MLIT nói riêng và Chính phủ Nhật Bản nói chung đã dành cho Bộ Xây dựng trong lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.

Tại Hội thảo, bên cạnh việc giới thiệu những công nghệ tiên tiến trong công tác khoan kích ống ngầm, kinh nghiệm xử lý sự cố trong thi công cũng như các biện pháp bảo trì bảo dưỡng tại Nhật Bản, tham luận của các chuyên gia từ MLIT, Viện kinh tế Xây dựng, Viện Khoa học công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) còn tập trung vào vấn đề đánh giá ảnh hưởng đến môi trường của công tác khoan kích ống ngầm (cụ thể là tại Hà Nội, kèm theo so sánh lượng khí thải sinh ra trong 03 phương án thi công chính là đào hở, khoan kích ngầm đơn thuần và khoan kích ngầm uốn khúc với cự ly dài); so sánh hướng dẫn thiết kế và thi công khoan kích ngầm của Nhật Bản với tiêu chuẩn DIN DWA-125/BS 12889, khuyến nghị một số đặc thù khi áp dụng vào Việt Nam (giai đoạn đầu nền đất san lấp có thể gặp dị vật, nước thải ở Việt Nam chưa qua xử lý nên xâm thực mạnh…). Với 08 bài tham luận súc tích được trình bày, Hội thảo chính là cơ hội để hai bên xúc tiến trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, đồng thời đề xuất nhiều ý tưởng cho việc ứng dụng công nghệ khoan kích ngầm trong thi công xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm của Việt Nam

Nguồn: Bộ Xây dựng

Bình luận
Tin liên quan