Ngày 27/9 tại Hà Nội, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tổ chức Hội thảo “Công nghệ nghiền mới và các giải pháp để sử dụng than nhiệt trị thấp trong dây chuyền sản xuất xi măng”. Tham dự Hội thảo có đại diện Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), Viện Vật liệu Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn Sinoma, các đơn vị thành viên Vicem.
Theo báo cáo của Hội nghị, Vicem hiện có 16 dây chuyền nghiền liệu được đầu tư vào các thời điểm khác nhau, trong đó chủ yếu là máy nghiền con lăn; gồm 12/16 chiếm 75% có 4/16 là nghiền bi chiếm 25%. Các dây chuyền nghiền nhìn chung đáp ứng nhu cầu sản xuất bột liệu cho các nhà máy, đạt năng suất thưc tế, vượt năng suất thiết kế, tiêu hao điện, tiêu hao vật liệu chịu mài mòn về cơ bản đạt định mức cơ bản của Vicem. Một số dây chuyền có mức tiêu thụ điện năng thấp như Xi măng Bỉm Sơn máy 2, 3; Xi măng Tam Điệp… Tuy nhiên còn một số dây chuyền là nghiền bi tiêu hao điện cao như Xi măng Hoàng Thạch 1,2,3 ; Xi măng Bình Phước, một số dây chuyền do tuổi đời cao, công nghệ cũ, thiết bị lạc hậu nên tiêu hao năng lượng rất cao như Xi măng Kiên Lương 1.
Hầu hết các dây chuyền nghiền của Vicem đều có tuổi đời hoạt động trên 10 năm, công nghệ dần lạc hậu theo thời gian, thiết bị xuống cấp, nên trong những năm gần đây, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì tăng.
Trong những năm qua Vicem đã nghiên cứu cải tiến nâng cấp công nghệ sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu trong sản xuất, tăng cường tro xỉ, thạch cao nâng cao chất lượng sản phẩm. Bám sát các mục tiêu của Chính phủ về Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050, theo Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 và nội dung đề án Tái cơ cấu Vicem giai đoạn 2019 – 2025 đã được Bộ Xây dựng phê duyệt tại Quyết định số 868/QĐ-BXD ngày 22/10/2019. Trong nội dung tái cơ cấu về công nghệ sản xuất đã nhấn mạnh nghiên cứu áp dụng công nghệ nghiền tiên tiến như hệ thống cán ép nghiền xi măng, máy nghiền bi, máy nghiền đứng, cải tiến các thiết bị phân ly, bụi để tăng năng suất, giảm tiêu hao năng lượng và giảm phát thải ra môi trường.
Chương trình sửa chữa cải tạo chiều sâu trong các dây chuyền sản xuất clinker tại một số đơn vị thành viên, kết quả thực tế cho đến nay cơ bản đã đạt mục tiêu đề ra, về năng suất thiết bị tiêu hao năng lượng đã cải thiện rõ nét sử dụng đa nhiên liệu nguyên liệu cải thiện môi trường đã phần nào tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị.
Một số nhà máy đã thực hiện giải pháp như, pháp thay thế phân ly hiệu suất cao cho máy nghiền than Xi măng Hoàng Thạch 1; cải tạo vành phun, cải tạo rotor phân ly, làm kín hệ thống vận chuyển than mịn máy nghiền than Xi măng Hoàng Thạch 2,3; thay thế tấm lót thiết kế mới có hiệu suất làm việc cao cho các máy nghiền liệu Xi măng Hoàng Thạch 2,3 giúp tăng năng suất bình quân từ 275t/h lên 315t/h giảm tiêu hao điện năng; cải tạo máy nghiền liệu Xi măng Bút Sơn 1; thay đổi vị trí cấp liệu, thay phân ly, thay đổi kiểu van cấp liệu, cải tạo vành phun…
Các giải pháp đã giúp nâng năng suất, giảm tiêu hao điện, giảm chi phí sửa chữa…Tuy nhiên, so với các hệ thống nghiền tiên tiến, hiện đại hiện nay của thế giới thì mức tiêu thụ điện của các dây chuyền nghiền vẫn còn cao, cần tiếp tục được cải tạo chiều sâu, nâng cấp công nghệ thiết bị.
Sinoma giới thiệu về công nghệ nung luyện mới trong giảm tiêu hao năng lượng.
Tại Hội thảo, đại diện Công ty TNHH Viện Nghiên cứu & Phát triển công nghiệp Xi măng Thiên Tân (Sinoma) đã giới thiệu về công nghệ và thiết bị để cải tạo nâng cấp hệ thống nghiền trong nhà máy xi măng. Những ưu điểm về kỹ thuật của máy cán trục TRP, hệ phân ly hỗn hợp hỗ trợ kiểm soát độ mịn đảm bảo khả năng nung của bột liệu, hiệu suất phân tách bột lớn, hàm lượng bột mịn lẫn trong liệu thô thấp, đảm bảo máy cán trục hoạt động ổn định và hiệu quả, thiết kế nhỏ, chi phí thi công xây dựng thấp. Về công nghệ cải tạo hệ thống nghiền liệu, hệ thống nghiền xi măng giúp giảm tiêu hao điện năng. Cải thiện hiệu suất tiêu hao năng lượng qua công nghệ nung luyện mới.
Tổng Giám đốc Vicem, ông Lê Nam Khánh đánh giá cao những nỗ lực của khối Kỹ thuật toàn Tổng Công ty trong việc thực hiện chương trình đổi mới nghiên cứu sáng tạo trong thời gian qua. Trong những năm tiếp theo, Vicem cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng cải tạo các dây chuyền sản xuất theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp để sử dụng các loại nguyên, nhiên liệu phẩm cấp thấp, nguyên nhiên liệu thay thế.
Đẩy mạnh sửa chữa, cải tạo tối ưu hóa năng suất dây chuyền hiện có kết hợp với các dự án đầu tư nâng cao năng lực nghiền tại các đơn vị thành viên. Nghiên cứu từng bước đầu tư thay thế thiết bị, kết hợp nâng công suất một số dây chuyền nghiền hiện tại, hiện đại hóa công nghệ – thiết bị nghiền, theo kịp mức độ tiên tiến của Thế giới.
Giảm tiêu thụ điện năng giảm tiêu hao nguyên vật liệu thiên nhiên, thích ứng linh hoạt với sự biến động của nguyên liệu đầu vào, sử dụng tốt các nguyên liệu thay thế như bùn thải, phế thải của các ngành công nghiệp khác, tro, xỉ và sử dụng đa dạng nhuồn than như than phẩm cấp thấp, than nhập khẩu…
Các dây chuyền nghiền phải được áp dụng áp dụng thành tựu cuộc Cách mạng khoa học 4.0, sử dụng công nghệ cao, thiết bị hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí sửa chữa bảo trì. Đồng thời, sử dụng tối đa các dịch vụ kỹ thuật, vật tư phụ tùng thiết bị trong nước, từ đó giảm chi phí sản xuất.
Hướng tới mục tiêu chung của Vicem về nâng cao công suất thiết bị, tiết giảm tiêu hao năng lượng, sử dụng hiện quả tài nguyên, sản xuất hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường góp phần nâng cao vị thế hệ thống của Vicem trong nước khu vực và trên Thế giới .