Gói tín dụng 50 nghìn tỉ: Chất xúc tác tiếp lực cho thị trường BĐS

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Bất động sản là thị trường rất quan trọng trong nền kinh tế với tính liên thông cao đối với các thị trường khác như tiền tệ, lao động, vật liệu xây dựng… Do đó, khi bắt được tín hiệu tốt của thị trường thì các nhà quản lý, doanh nghiệp cũng như toàn xã hội phải chủ động hưởng ứng tác động tích cực này.

Trong bối cảnh này, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng hợp lực và đưa ra gói tín dụng 50.000 tỷ đồng là tác dụng rất tích cực. Nhà nước không phải bỏ ra nguồn lực nào cả, không phải bù đắp lãi suất, không phải có chế độ riêng biệt mà đây hoàn toàn là nguồn tiền do các ngân hàng tự huy động từ trong dân và cho vay với lãi suất thương mại. Nếu nguồn vốn từ gói tín dụng lãi suất ưu đãi do Chính phủ hỗ trợ thì đối tượng vay sẽ bị giới hạn và kiểm soát.

Tuy nhiên, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng không hạn chế đối tượng. Chỉ cần đối tượng là các chủ đầu tư bất động sản, doanh nghiệp nhà thầu thi công, đơn vị sản xuất – cung cấp vật liệu và các ngân hàng tự nguyện tham gia liên kết với nhau thì sẽ đưa vào cái diện được vay.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn tiếp tục cần sự kiểm soát chặt chẽ để tránh lạm phát, gia tăng nợ xấu nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng thì gói tín dụng này sẽ góp phần đưa dòng tiền được lưu thông vào nền kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế. Bản chất đây là gói tín dụng thương mại thông thường nhưng lại đẩy mạnh cho vay cụ thể vào các dự án bất động sản, nhà ở, nhất là giúp các công trình đang dở dang hoàn thành nốt để có sản phẩm bán cho xã hội. Như vậy, tính thanh khoản sẽ được cải thiện. Dòng tiền này đảm bảo không gây ra nợ xấu nếu thực hiện tốt vì chuỗi liên kết này kiểm soát được cả 4 nhà, đồng tiền hướng đúng vào dự án, đúng mục tiêu. Khi ấy, dự án không lo bị siết nợ, chỉ có 1 lần thanh toán và không có chuyện chuyển tiền “lòng vòng.”

Các chi phí cùng lúc được giảm nhờ thời gian chuyển tiền rút gọn, lãi vay giảm thiểu; giá vật liệu xây dựng cũng giảm thông qua việc mua trực tiếp từ nhà sản xuất, không phải thông qua chi phí lưu thông… Với chi phí vốn giảm, tốc độ dự án lại được tăng nhanh và lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng. Như vậy, thị trường bất động sản vốn đã đang ấm lên sẽ lấy lại được lòng tin người tiêu dùng.

Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Thiên Thanh triển khai thực hiện trong bối cảnh thị trường xây dựng và bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn đang được kỳ vọng là mô hình tăng trưởng an toàn.
Nguồn: ximang.vn/TTXVN
Bình luận
Tin liên quan