Trong 7 tháng đầu năm 2019, giá sắt thép xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt mức trung bình 650,6 USD/tấn, giảm mạnh 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Campuchia vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.
Số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2019 Việt Nam đã xuất khẩu được 3,89 triệu tấn sắt thép, tương đương trị giá 2,53 tỷ USD.
Như vậy, sắt thép xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 14% về lượng nhưng giảm 0,1% về kim ngạch.
Đáng chú ý, mức giá xuất khẩu trung bình chỉ đạt 650,6 USD/tấn, giảm mạnh 12,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Về thị trường xuất khẩu, Campuchia vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.
Theo đó, xuất khẩu sang thị trường này hiện chiếm trên 26,7% tổng lượng và chiếm 24,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của Việt Nam.
Trong 7 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu sang Campuchia 1,04 triệu tấn sắt thép các loại, tương đương 618,9 triệu USD, tăng 44,5% về lượng, tăng 33,8% về kim ngạch nhưng giảm 7,4% về giá so với cùng kỳ năm 2018.
Thị trường xuất khẩu sắt thép lớn thứ hai là Indonesia khi chiếm trên 11% tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 430.519 tấn, tương đương 290,4 triệu USD, tăng 15,6% về lượng nhưng giảm 1,7% về kim ngạch.
Mức giá sắt thép xuất khẩu sang thị trường này cũng chỉ đạt 674,5 USD/tấn, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường lớn thứ ba là Malaysia, chiếm 11,3% tổng lượng và chiếm 10,8% tổng kim ngạch xuất khẩu sắt thép của Việt Nam.
Xuất khẩu sắt thép sang Malaysia đạt 438.748 tấn, trị giá 272,59 triệu USD, tăng 12% về lượng và tăng 2% về kim ngạch.
Cũng giống như Campuchia và Indonesia, mức giá xuất khẩu sang Malaysia chỉ đạt giá 621,3 USD/tấn, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Đặc biệt, xuất khẩu sắt thép các loại sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh 1.656% về lượng và tăng 500% về trị giá so với năm ngoái, đạt 75.439 tấn, trị giá 38,77 triệu USD.
Ngoài ra, xuất khẩu mặt hàng này còn tăng mạnh tại thị trường Brazil (tăng 178,6% về lượng và tăng 166,9% về trị giá) và Nhật Bản (tăng 285,4% về lượng và tăng 161,6% về trị giá).
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sắt thép sang thị trường Mỹ sụt giảm rất mạnh 42,2% về lượng và giảm 46,3% về kim ngạch, đạt 308.155 tấn, tương đương 243,39 triệu USD, giá cũng giảm 7,1%, đạt 789,8 USD/tấn.
CCBM (TH/ VnEconomy)