Đề xuất bổ sung mỏ cát trắng silic tại Vân Đồn vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản

Văn phòng Chính phủ (VPCP) vừa có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng xem xét xử lý đề xuất bổ sung đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến mỏ cát trắng silic tại địa bàn các  xã Quan Lạn, Ngọc Vừng, Minh Châu thuộc huyện Vân Đồn để sử dụng làm vật liệu xây dựng.

Trước đó, VPCP nhận được công văn của Công ty TNHH Quan Minh (Công ty Quan Minh) đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung cát trắng silic tại khu vực nói trên vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).

Theo công văn đề xuất của doanh nghiệp nói trên, quá trình triển khai các bước thăm dò, Công ty này phát hiện một số khu vực lân cận với diện tích các mỏ đã được cấp phép hiện còn nguồn cát trắng silic rất lớn chưa được đưa vào Quy hoạch. Trong khi tại khu vực này, thường xuyên diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép để làm vật liệu san lấp.

Báo cáo của Liên đoàn vật lý địa chất về việc thực hiện việc đo địa chấn cũng cho thấy, có 3 khu vực có trữ lượng loại cát này khá lớn. Cụ thể, khu vực 1 là tại xã Quan Lạn và Ngọc Vừng. Ở đây, trữ lượng cát silic có chiều dày của lớp trầm tích trên mặt từ 3,8 – 4,2m, lớp trầm tích phân bố khá đồng đều trong khu vực khảo sát. Diện tích và trữ lượng được tính toán gần 22 triệu m3/538 ha diện tích khảo sát;

Khu vực 2, nằm ở phía Tây Nam của khu vực 1, chiều dày của lớp trầm tích trên mặt từ 0.2m – 4,1 m. Diện tích và trữ lượng được tính toán hơn 73 triệu m3/3.650 ha diện tích được khảo sát;  Và khu vực 3, được xác định nằm ở khu vực Hòn Vạn Bóng, phía Tây Nam của đảo Minh Châu, chiều dày của lớp trầm tích trên mặt từ 0,2m – 5,4m. Diện tích và trữ lượng được tính toán gần 5,4 triệu m3/232 ha diện tích được khảo sát.
 
Từ kết quả thăm dò, Công ty Quan Minh cho rằng, hiện các khu vực nói trên có nguồn cát trắng silic trữ lượng rất lớn nhưng chưa được đưa vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dung ở Việt Nam. Vì thế, việc bổ sung vào Quy hoạch, theo doanh nghiệp này là cần thiết.   

Theo tìm hiểu, tại Quyết định 152/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch và Quyết định 45/2012/QĐ-TTg, phê duyệt điều chỉnh bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020, các loại khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng chỉ bao gồm 8 loại gồm: Cao lanh, đất sét trắng, fenspat, sét chịu lửa, cát trắng, đôlômít, đá vôi, đá ốp lát. Cát trắng silic mà Công ty Quan Minh phối hợp với Liên đoàn vật lý địa chất vừa phát hiện 3 khu vực với trữ lượng rất lớn ở Vân Đồn như nói trên chưa nằm trong Quy hoạch này.

Đáng chú ý, tại các Quyết định mà Thủ tướng đã phê duyệt, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Xây dựng, cơ quan quản lý nhà nước về khai thác và sử dụng khoáng sản, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra tình hình thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Thủ tướng cũng giao Bộ này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các vấn đề: Bổ sung mới các mỏ vào quy hoạch hoặc điều chỉnh ra ngoài quy hoạch khi mỏ không đảm bảo chất lượng, trữ lượng; điều chỉnh công suất, thời gian khai thác các mỏ trong quy hoạch.

Được biết, cát trắng silic đã qua chế biến làm nguyên liệu cho sản xuất thủy tinh và kính xây dựng, cát trắng silic đã qua chế biến làm khuôn đúc (bọc nhựa, không bọc nhựa) cho phòng thí nghiệm. Đây đều là sản phẩm có giá trị cao hơn nhiều lần so với cát khai thác ở trạng thái nguyên khai và có giá xuất khẩu cao.

CCBM

Bình luận
Tin liên quan