Tính đến ngày 22/12, VN-Index đã mất đi 16% so với mức đỉnh được thiết lập vào ngày 3/9, còn HNX-Index giảm khoảng 6%. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu xi măng trên cả 2 sàn lại tăng bình quân gần 40%. Đặc biệt, một số cổ phiếu tăng giá mạnh như CCM (Công ty Khoáng sản Xi măng Cần Thơ) tăng 223%, BCC (Xi măng Bỉm Sơn) tăng 73%.
Diễn biến giá từ đầu năm đến ngày 22/12 của hầu hết các cổ phiếu xi măng cũng vượt xa diễn biến chung của thị trường: trong khi VN-Index và HNX-Index chỉ tăng lần lượt 6,5% và 22% thì CCM tăng đến 313%, BCC tăng 167%, BTS (Xi măng Vicem Bút Sơn) tăng 67%. Từ chỗ có thanh khoản và thị giá thấp vào năm ngoái, nhóm cổ phiếu xi măng đã làm một cuộc bứt phá trong năm nay.
Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu xi măng một phần là do sức cầu đã được cải thiện đáng kể trong năm 2014. Những năm trước do thị trường bất động sản đóng băng, chi tiêu chính phủ vào cơ sở hạ tầng giảm… nên nhu cầu xi măng giảm sút nghiêm trọng. Đến năm nay, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách kích thích kinh tế, trong đó chú trọng đến lĩnh vực bất động sản, nên cầu về xi măng đã tăng lên.
Có thể thấy tổng sản lượng tiêu thụ năm 2014 đã tăng hơn 10% so với năm ngoái, đạt khoảng 68 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ nội địa xấp xỉ 49 triệu tấn, còn 19 triệu tấn được xuất khẩu ra nước ngoài.
Nguồn cung hạn chế cũng góp phần vào sự phục hồi của nhóm cổ phiếu xi măng. Sau 3 năm (2011-2013), thị trường xi măng luôn trong tình trạng cung vượt xa cầu và phải tìm cách xuất khẩu để giảm hàng tồn kho vì đặc thù của ngành xi măng là phải sản xuất liên tục. Nhưng năm nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy khoảng cách cung cầu đang thu hẹp lại.
Từ năm 2013 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho Bộ Xây dựng loại bỏ 14 dự án ra khỏi quy hoạch ngành. Việc hạn chế nguồn cung đang được Bộ Xây dựng thực thi khá quyết liệt trong năm 2014. Không chỉ dừng lại ở việc loại bỏ dự án, Bộ còn đề xuất giãn tiến độ dự án và hạn chế tối đa việc gia tăng nhà máy mới (trừ những dự án đạt tiêu chuẩn cao).
Trong năm 2015-2016, sẽ không có thêm nhà máy mới hoạt động để tránh tình trạng dư thừa và gây áp lực không cần thiết cho ngành xi măng trong nước. Đây là chính sách mà các doanh nghiệp xi măng đang kỳ vọng, vì cạnh tranh trong ngành này hiện rất khốc liệt. Điều này thể hiện qua mức độ tập trung thị phần của nhóm doanh nghiệp dẫn đầu còn thấp và có quá nhiều doanh nghiệp tham gia, theo nhận xét của bà Trần Phương Lan, đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh, tại hội thảo “Cạnh tranh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng – Kinh nghiệm Nhật Bản” được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 18/12 vừa qua.
Một tín hiệu tích cực khác là Nhà nước đã chú trọng hơn đến việc quản lý chất lượng xi măng và bảo vệ môi trường. Theo đó, quy hoạch tổng thể vật liệu xây dựng yêu cầu đến hết năm 2015 không còn nhà máy xi măng lò đứng hoạt động. Và đến nay, các nhà máy dạng này đã chuyển sang trạm nghiền xi măng hoặc sản xuất vật liệu khác phù hợp hơn. Chính sách này được duy trì trong thời gian tới sẽ giúp ngành xi măng giảm ô nhiễm môi trường, đặc biệt giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đây là một lý do thu hút sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư đối với cổ phiếu xi măng.
Bên cạnh đó, còn có thông tin khác tác động tích cực đến cổ phiếu xi măng trong ngắn hạn, đó là giá dầu. Xi măng là ngành sử dụng nhiều than, điện và dầu để sản xuất ra thành phẩm. Vì thế, việc giá dầu liên tục giảm mạnh trong năm nay sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp ngành này.
Đồng Euro bị mất giá khoảng 7% so với tiền đồng từ đầu năm đến tháng 9.2014 cũng là một tin vui, nhất là đối với những doanh nghiệp có vay vốn lớn bằng đồng Euro như Xi măng Hà Tiên 1, Xi măng Bỉm Sơn, Xi măng Bút Sơn… Đây là lý do giúp cho doanh thu tài chính của Xi măng Hà Tiên 1 tăng thêm gần 170 tỉ đồng và Xi măng Bỉm Sơn cũng hưởng lợi khoảng 55 tỉ đồng trong quý III/2014. Các công ty này sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc gia tăng doanh thu tài chính trong quý IV này vì đồng Euro vẫn đang tiếp tục giảm so với tiền đồng.
Tất cả những yếu tố thuận lợi nói trên đã giúp các doanh nghiệp xi măng lội ngược dòng ngoạn mục trong kết quả kinh doanh năm nay. Xi măng Bỉm Sơn là một ví dụ. Ngày 8/4, cổ phiếu BCC của Công ty này bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ (báo cáo tài chính đã kiểm toán) tại ngày 31/12/2013 bị âm. Nhưng 5 tháng sau, cổ phiếu BCC đã được đưa ra khỏi diện cảnh báo khi hai chỉ tiêu lợi nhuận trên trong 6 tháng đầu năm (có soát xét) là số dương. Lợi nhuận sau thuế của Xi măng Bỉm Sơn trong 9 tháng đầu năm đạt 51 tỉ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Xi măng Hà Tiên 1 cũng có lợi nhuận sau thuế 3 quý đầu năm 91 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ đến 71 tỉ đồng.
Nguồn: ximang.vn/NCĐT