Bộ TN&MT phê duyệt trữ lượng cát trắng, đá granite và đá vôi tại 3 địa phương

Ngày 12/10 tại Hà Nội, Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đã thông qua trữ lượng cát trắng, đá granite làm ốp lát và đá vôi làm nguyên liệu xản xuất vôi công nghiệp tại các khu vực thuộc các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Hà Nam. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp.

Quang cảnh cuộc họp.

Kết quả thăm dò cát trắng tại khu vực Cây Táo 3, xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận do Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Trường Thịnh là chủ đầu tư. Công tác thi công thăm dò và lập báo cáo tổng kết do Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Khoáng sản Việt thực hiện.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ biên cho biết, báo cáo đã cơ bản làm rõ được các đặc điểm địa chất, địa chất thủy văn – địa chất công trình, điều kiện khai thác mỏ, đánh giá được chất lượng, trữ lượng cát trắng và khoáng sản đi kèm tại khu thăm dò.

Kết quả thăm dò đá granit làm ốp lát khu vực núi Chà Bang, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận do Công ty Cổ phần Thành Kim làm chủ đầu tư, dưới sự tư vấn của Công ty Cổ phần Địa chất Khoáng sản và Môi trường. Chủ biên Nguyễn Văn Tuấn cho biết, báo cáo đã cơ bản đã tổng hợp đủ các kết quả thăm dò, xác định được đặc điểm địa chất và đánh giá quy mô, chất lượng của đá granit làm ốp lát và làm vật liệu xây dựng thông thường đi kèm trong diện tích thăm dò.

Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đề nghị, trong quá trình triển khai dự án khai thác, chủ đầu tư cần bổ sung các công trình thăm dò khai thác phù hợp để tăng độ tin cậy trữ lượng ở mỏ. Đồng thời, có văn bản cam kết về việc sử dụng đá làm vật liệu xây dựng thông thường và san lấp tại mỏ.

Báo cáo kết quả thăm dò đá vôi làm nguyên liệu sản xuất vôi công nghiệp tại khu vực mỏ đá T34, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, ông Đỗ Thành Trung thuộc Công ty Cổ phần Tư vấn Mỏ – đơn vị tư vấn cho biết, mục đích của công tác thăm dò là đánh giá chất lượng, xác định trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu sản xuất vôi công nghiệp cũng như điều kiện khai thác mỏ đến coste +20m. Mục tiêu trữ lượng đạt khoảng 14.700 nghìn tấn đá vôi ở cấp trữ lượng 121 và 122.

Ông Trần Lê Châu thuộc Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đánh giá, báo cáo sử dụng phương pháp đẳng cao tuyến để kiểm tra phương pháp tính trữ lượng, kết quả kiểm tra sai số tính trữ lượng giữa hai phương pháp có sai lệch không đáng kể là chấp nhận được. Trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu sản xuất vôi công nghiệp vượt mục tiêu của đề án đặt ra. Ngoài ra, báo cáo còn tính được trữ lượng đá vôi có kích thước nhỏ hơn 3m làm nguyên liệu xi măng và đá vôi dolomit không đáp ứng tiêu chuẩn làm vật liệu xây dựng thông thường để tăng giá trị kinh tế, tận dụng tối đa khoáng sản ở mỏ.

Với những kết quả thăm dò các mỏ khoáng sản trên, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên và các ủy viên Hội đồng đồng ý phê duyệt trữ lượng khoáng sản đã tính để các chủ đầu tư chuẩn bị các thủ tục đưa mỏ vào khai thác.

CCBM (TH/ Báo TN&MT)
Bình luận
Tin liên quan