Thị trường bất động sản: Thời “BẤT ĐỘNG” đang qua

  

Nhiều kỳ vọng phục hồi thị trường bất động sản trong năm 2014

Tăng tính khả thi cho gói 30.000 tỷ

Nếu như năm 2012, toàn xã hội phải chứng kiến một thị trường bất động sản (BĐS) “gẫy cánh” đến mức có người đã phải đưa ra lời khuyên rằng “hãy để thị trường rơi tự do”, thì ngay trong năm tiếp theo – 2013, hàng loạt các giải pháp đã được các nhà quản lý nỗ lực đưa ra nhằm giải cứu thị trường này. Trước tiên phải kể đến Nghị quyết số 02 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Trong đó bao gồm việc gỡ khó cho các nhà đầu tư bất động sản bằng giải pháp giảm các loại thuế, gia hạn nộp tiền sử dụng đất, giảm tiền thuê đất…

Tuy nhiên, dường như những nỗ lực trong việc giảm nhiều loại phí không thể làm nhẹ bớt gánh nặng trên vai các nhà đầu tư vì sức tồn kho của thị trường là quá lớn, khối lượng tồn kho BĐS dẫn đến dòng chảy cung – cầu trên giao dịch thị trường bị ngưng đọng. Giảm các loại thuế, phí chỉ như một yếu tố mang tính chất động viên về mặt tinh thần các nhà đầu tư. Và để tiếp tục khắc phục những khó khăn, gói hỗ trợ 30.000 tỷ được đưa ra hồi giữa năm 2013. Tuy nhiên, trên thực tế, sự ỳ ạch trong việc giải ngân gói hỗ trợ này đã khiến dư luận không ít lần buông lời phàn nàn, ta thán. Triển khai từ tháng 6-2013 song cho đến thời điểm này, gói hỗ trợ 30.000 tỷ mới chỉ giải ngân được vỏn vẹn khoảng… 3%.

Không dưới  một lần, Chính phủ đã phải đốc thúc Bộ Xây dựng cũng như Ngân hàng Nhà nước – những đầu mối chính trong “công cuộc” triển khai gói 30.000 tỷ – về việc phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân gói hỗ trợ này. Nguyên nhân khiến tiến độ gói hỗ trợ này bị chậm chạp chủ yếu là bởi, yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước trong việc chứng minh khả năng trả nợ của khách hàng. Với người thu nhập trung bình, yêu cầu này đã khá “hóc búa”, đối với người thu nhập thấp (đối tượng ưu tiên chính của gói hỗ trợ 30.000 tỷ) lại càng “hóc” hơn.

Vì thế việc kéo dài thời gian gia hạn trả nợ, cụ thể đã tăng thời hạn từ 10 lên 15 năm được xem là giải pháp tích cực để đưa dòng vốn hỗ trợ BĐS vào xã hội.

Thêm tín hiệu vui

Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi cho phép bất cứ người nước ngoài nào được phép nhập cảnh vào Việt Nam đều có thể sở hữu nhà ở thương mại, thậm chí được mua với số lượng không hạn chế. Tương tự, Luật Kinh doanh BĐS cho phép các cá nhân, tổ chức nước ngoài “được thuê, được mua và sở hữu diện tích văn phòng để làm việc, để cho thuê; được mua, thuê, thuê mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở”.

Không thể phủ nhận, so với thời điểm cách đây một năm, thị trường BĐS đã có dấu hiệu ấm lên khá nhiều. Giao dịch bắt đầu chuyển động, các dự án nhà ở xã hội được xây dựng (hoặc chuyển đổi) đã có nhiều khách hàng đăng ký. Nếu như trước đây, thị trường tồn đọng hàng loạt các dự án nhà ở thuộc phân khúc cao cấp, thì đến nay nhờ việc chuyển đổi dự án sang phân khúc nhà ở xã hội, nhiều dự án đã được giới đầu tư “lọc” khỏi “đống hàng tồn”. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, một trong những giải pháp khá hiệu quả thời gian qua đó chính là việc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở cho người thu nhập thấp.

Việc tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp của giới đầu tư đã và đang mang lại những dấu hiệu khả quan cho thị trường BĐS. Nói như vị lãnh đạo của Tập đoàn Nam Cường, đây sẽ là yếu tố quan trọng hâm nóng lại thị trường bất động sản trong năm 2014 này.

Và mới đây, thêm một tin vui đến với thị trường BĐS nuôi thêm kỳ vọng phá băng của thị trường này, đó là Dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS mới vừa được Bộ Xây dựng trình Chính phủ, trong đó những bó buộc về việc cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam đã được nới rộng. Cụ thể, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi cho phép bất cứ người nước ngoài nào được phép nhập cảnh vào Việt Nam đều có thể sở hữu nhà ở thương mại, thậm chí được mua với số lượng không hạn chế. Tương tự, Luật Kinh doanh BĐS cho phép các cá nhân, tổ chức nước ngoài “được thuê, được mua và sở hữu diện tích văn phòng để làm việc, để cho thuê; được mua, thuê, thuê mua nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở”.

Với những nội dung mới tại 2 Dự thảo Luật này, không những người nước ngoài, Việt kiều có cơ hội được sở hữu nhà ở Việt Nam, mà đây sẽ là động lực lớn thúc đẩy, kích cầu thị trường BĐS. Một số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, trong vòng 5 năm qua, tổng số lượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chỉ khoảng 120 người. Việc quy định hạn chế người nước ngoài, Việt kiều được phép mua nhà ở Việt Nam trong Luật Nhà ở trước đây vô hình trung làm mất hẳn một lượng kiều hối lớn chảy vào trong nước, đồng thời đẩy thị trường bất động sản vào thế bí. “Nguồn lực kiều hối sẽ tạo động lực, góp phần phá băng thị trường bất động sản hiện nay, nhất là đối với 2 phân khúc trung và cao cấp đang bị tồn đọng rất lớn” – ông Nguyễn Văn Trung, một nhà đầu tư BĐS đánh giá.

Với những điểm cải tiến nói trên trong các dự thảo luật liên quan đến thị trường BĐS, hoàn toàn có thể khẳng định, câu chuyện hàng tồn kho trên thị trường BĐS sẽ được sớm giải quyết, hơn thế nữa, nó còn đảm bảo cho sự phát triển của thị trường BĐS trong tương lai lâu dài…

Theo Đại Đoàn kết

Bình luận
Tin liên quan