Những năm vừa qua, sự lớn mạnh của ngành Xây dựng Việt Nam nói chung và ngành VLXD nói riêng đòi hỏi cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn – quy chuẩn đồng bộ trong lĩnh vực liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời phù hợp với sự phát triển công nghệ sản xuất, hội nhập với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Xuất phát từ thực tế này, Bộ Xây dựng đã giao Viện Vật liệu xây dựng thực hiện Dự án, với mục tiêu: lập danh mục hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) và tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) theo các nhóm VLXD và lộ trình soát xét, xây dựng mới cho tới năm 2030; làm cơ sở tiến tới hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn – quy chuẩn trong lĩnh vực VLXD (đến năm 2030).
Để thực hiện Dự án, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá thực trạng hệ thống tiêu chuẩn – quy chuẩn quốc gia trong cùng lĩnh vực; đề xuất định hướng xây dựng hệ thống TCVN; xây dựng Quy hoạch danh mục TCVN-QCVN cần soát xét /biên soạn mới và phân kỳ thực hiện đến năm 2030; đề ra các giải pháp thực hiện quy hoạch. Dự án chia hệ thống TCVN tương ứng với 09 nhóm sản phẩm, gồm: nhóm các chất kết dính vô cơ; nhóm bê tông – cốt liệu; nhóm vật liệu gốm sứ xây dựng; nhóm vật liệu thủy tinh, kính xây dựng; nhóm vật liệu cách nhiệt, chịu lửa, chống cháy; nhóm vật liệu hữu cơ và hóa phẩm xây dựng; nhóm vật liệu sơn và vật liệu trang trí hoàn thiện; nhóm vật liệu cấp thoát nước; nhóm vật liệu đất xây dựng. Trong đó, nhóm vật liệu cuối cùng thuộc lĩnh vực khảo sát địa chất đã được Viện KHCN Xây dựng thực hiện trước đó, nên trong phạm vi Dự án, nhóm nghiên cứu chỉ thực hiện quy hoạch đối với 08 nhóm vật liệu còn lại, và bổ sung thêm nhóm Hệ thống cửa.
Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng cơ bản đều đánh giá cao tính cấp thiết của Dự án; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến xác đáng để các tác giả nghiên cứu bổ sung thêm danh mục tiêu chuẩn cho từng nhóm; sửa lại bố cục hợp lý hơn; lý giải các cơ sở đưa ra một số số liệu trong báo cáo để Dự án được hoàn thiện hơn.
Hội đồng đã nhất trí nghiệm thu Dự án với kết quả xếp loại Khá.
Nguồn: VLXD.org/Bộ Xây dựng