Cụ thể: giá trị sản xuất xây dựng 9 tháng 2014 ước tính đạt 467,1 nghìn tỷ; trong đó, giá trị XD công trình nhà ở tăng 6,7%, công trình nhà không để ở tăng 0,3%, công trình kỹ thuật dân dụng tăng 8,4% và xây dựng chuyên dụng tăng 14% (theo giá so sánh 2010).
Trong đó đáng chú ý là lĩnh vực công trình nhà ở vẫn là động lực tăng trưởng chính với tỷ trọng lớn nhất 44%. Ngoài ra, giá trị xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng tăng khá cao 8,4% với tỷ trọng đóng góp đứng thứ hai 28,6%. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy ngành xây dựng có thể bắt đầu tăng trưởng trở lại.
Trong ngắn hạn, lĩnh vực xây dựng công trình nhà ở vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn. Tuy vậy, đánh giá trong dài hạn, MBKE cho rằng lĩnh vực xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng sẽ trở thành tâm điểm của ngành với danh sách dài các dự án xây dựng hạ tầng (cầu đường, hàng không, đường sắt, cảng biển, nhà máy điện, dầu khí) với giá trị lớn được lên kế hoạch triển khai. Đón đầu xu hướng này, không ít công ty xây dựng niêm yết như CTD, FCN, VCG, HUT đã và đang tham gia vào một số dự án hạ tầng. Chúng tôi nhìn nhận đây là bước đi tích cực, giúp các công ty tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao năng lực và uy tín để có thể tham gia nhiều dự án xây dựng hạ tầng hơn trong tương lai.
Về KQKD của các công ty xây dựng niêm yết trong 6 tháng 2014, theo MBKE nhận định đã ít nhiều có cải thiện so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một số công ty vẫn gặp khó khăn do phải trích lập dự phòng phải thu hoặc tiếp tục quá trình tái cơ cấu. Với mức tăng trưởng giá trị sản xuất xây dựng 7% trong 9 tháng của 2014 (so với 3,4% trong 3 tháng đầu năm 2014 và 5,3% trong nửa đầu năm 2014), MBKE cho rằng bức tranh lợi nhuận của các công ty xây dựng nhìn chung sẽ sáng sủa hơn.
Nguồn: VLXD.org