Đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các đầu kéo tiêu dùng, xuất khẩu chịu ảnh hưởng do áp lực lạm phát, tỷ giá tăng và kinh tế toàn cầu biến động. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%. Ngoài ra, việc tập trung đẩy mạnh đầu tư công cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra các tác động lan tỏa đến nhiều nhóm ngành.
Với ngành Thép, doanh nghiệp cung ứng thép xây dựng được hưởng lợi. Với các ngành mà chi phí vận chuyển tác động lớn đến khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp như xi măng và đá xây dựng, các doanh nghiệp có thị phần lớn và có vị trí gần các dự án đang triển khai sẽ được hưởng lợi tốt hơn phần còn lại của ngành. Đặc biệt, đối với ngành Đá xây dựng, hiện nay tại nhiều dự án đầu tư công (cao tốc Bắc – Nam hay Sân bay quốc tế Long Thành) đang có tình trạng thiếu nguồn đất phục vụ san lấp. Do đó, chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp đầu ngành đá, sở hữu các mỏ đá với trữ lượng lớn, vị trí nằm gần các dự án trọng điểm sẽ được hưởng lợi.
Ngoài ra, việc giá than giảm mạnh từ đầu năm sẽ giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng (thép, xi măng) cải thiện. Trong khi giá thép dự kiến đi ngang nửa cuối năm, sản lượng tiêu thụ thép dự kiến phục hồi từ quý III/2023 nhờ giải ngân đầu tư công và chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản và chương trình phát triển nhà ở xã hội. Do đó, chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh 2 quý cuối năm 2023 của một số doanh nghiệp thép tuy còn nhiều thách thức nhưng sẽ bớt xấu dần.
Nhóm xây dựng hạ tầng, công trình cũng kỳ vọng hưởng lợi trực tiếp khi các dự án đầu tư công trọng điểm đi vào triển khai và giá nguyên vật liệu đầu vào như thép đang dần ổn định. Tuy nhiên, rủi ro của ngành tới từ việc (1) Tiến độ thanh, quyết toán các dự án đã và đang triển khai chậm; (2) Thiếu hụt và biến động giá nguyên vật liệu xây dựng.
Nhóm hưởng lợi gián tiếp (Mức hưởng lợi: Trung bình – Thấp)
Ngành Bất động sản dân dụng có thể được hưởng lợi gián tiếp ngay từ khi quy hoạch của các dự án đầu tư công lớn được thông qua. Điều này sẽ thu hút nhu cầu về bất động sản và nhà ở tại các khu vực, tỉnh, thành phố lân cận với các dự án khi cơ sở hạ tầng được kỳ vọng hoàn thiện. Các địa phương tiềm năng trong giai đoạn tới có thể kể tới như Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh (miền Bắc); TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu (miền Nam). Một số chính sách pháp lý tháo gỡ khó khăn trong thị trường bất động sản kỳ vọng sẽ giải quyết vướng mắc một số vấn đề về vốn và pháp lý cho nhóm doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, ngành bất động sản cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro khác như trái phiếu doanh nghiệp, niềm tin của nhà đầu tư, thanh khoản giao dịch vẫn thấp.
Ngành logistics cũng được kỳ vọng có thể hưởng lợi gián tiếp khi đầu tư công được thúc đẩy, cơ sở hạ tầng được cải thiện. Các tuyến cao tốc sau khi hoàn thiện sẽ khiến hoạt động logistics thuận lợi hơn, qua đó là chất xúc tác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Các đại dự án như Sân bay Long Thành kỳ vọng sẽ giúp nhóm vận tải hàng hóa, hành khách được hưởng lợi từ gia tăng công suất khai thác.
CCBM