Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam đề xuất tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19

Ngày 9/8, Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VECAS) có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong thời gian quan, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều phức tạp, khó lường, đặc biệt còn xuất hiện biến chủng virus có tốc độ lây lan nhanh hơn, mạnh hơn, nguy hiểm hơn, ảnh hưởng nhiều đến ngành Xây dựng. Các tổ chức doanh nghiệp và cá nhân trên cả nước, trong đó có các thành viên của Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, sản xuất kinh doanh, hành nghề hoạt động xây dựng và hành nghề kiến trúc.

Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam đề xuất một số chính sách trong phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Tháo gỡ về chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng

 

Theo bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch VECAS cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên trong thời gian qua, các hoạt động tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề cho cá nhân không được tổ chức theo kế hoạch và không đảm bảo thời gian quy định, hoặc không thể tổ chức nên nhiều cá nhân trên cả nước gặp nhiều khó khăn do đã hết hạn chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, hành nghề kiến trúc hoặc chưa được cấp.

Chính vì vậy, VECAS đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng ban hành chính sách cho phép các cơ quan, tổ chức xã hội – nghề nghiệp đủ điều kiện tổ chức sát hạch phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, hành nghề kiến trúc theo hình thức trực tuyến.

Mặt khác, do không thể tổ chức sát hạch và nhiều địa phương, khu vực thực hiện giãn cách xã hội nên kiến nghị ban hành chính sách cho phép kéo dài hiệu lực của Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của các cá nhân đã hết hạn từ 01/01/2021 và sẽ hết hạn trong năm 2021 được kéo dài đến 31/12/2021, bà Duyên phân tích thêm.

Bên cạnh đó, đối với các chứng chỉ hành nghề kiến trúc theo Luật Kiến trúc thực hiện chưa thống nhất tại nhiều cơ quan, đơn vị. Việc gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc tại các tỉnh, thành phố còn lúng túng do các văn bản pháp luật, hướng dẫn mới được ban hành. Hiệp hội kiến nghị Bộ Xây dựng tổ chức tập huấn, giải đáp trực tuyến hoặc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể để các cơ quan này thống nhất triển khai thực hiện.

Đồng thời, VECAS cũng kiến nghị gia hạn hiệu lực đến hết ngày 31/12/2021 đối với Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức đã hết hạn và sẽ hết hạn trong năm 2021. Một số lĩnh vực hành nghề Thiết kế kiến trúc công trình, Thẩm tra thiết kế kiến trúc đã được cấp trong Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho các cá nhân đã hết hạn từ 01/01/2021 và sẽ hết hạn trong năm 2021 được kéo dài đến 31/12/2021.

 

Bổ sung một số chi phí đầu tư xây dựng

Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch VECAS, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi Việt Nam (HEC) chia sẻ, hiện nay các quy định pháp luật của Việt Nam về sự kiện bất khả kháng chưa rõ ràng, không cụ thể và đầy đủ quy định pháp luật như nhiều nước trên thế giới. Do đó để xem xét giải quyết vấn đề ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong hoạt động đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng hiện nay là sự kiện bất khả kháng cần thiết ban hành đầy đủ các quy định chi tiết trong Luật Xây dựng, Luật Dân sự.

Hiệp hội đề xuất bổ sung vào Thông tư hướng dẫn các Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và Nghị định số 50/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP về hợp đồng xây dựng sắp được ban hành tới đây các nội dung, chí phí liên quan đến công tác phòng, chống và khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh như đại dịch Covid-19 (nếu có) và chi phí chuyên gia tư vấn, nhân công do tạm ngừng công việc cho các bên tham gia dự án vào chi phí trực tiếp hoặc chi phí chung trong phương pháp tính dự toán xây dựng, thanh toán hợp đồng xây dựng.

Ông Lâm nhận định thêm, các chi phí trực tiếp như vật liệu, nhân công, máy xây dựng tại các dự án, công trình xây dựng đã và đang đối mặt với việc tăng giá đầu vào quá lớn. Do đó đề nghị ban hành chính sách cho phép các dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định hợp đồng xây dựng, Nghị định số 50/2021/NĐ-CP được bổ sung các chi phí tăng thêm này (nếu có và trong mức độ phù hợp) vào chi phí trực tiếp hoặc bù chênh lệch giá.

Đồng thời, Hiệp hội cũng kiến nghị cần ban hành hướng dẫn về điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán hoặc giá gói thầu, giá hợp đồng, nhất là đối với các loại hợp đồng trọng gói, giá cố định. Cho phép và bắt buộc các Chủ đầu tư thuộc các đối tượng dự án, công trình thuộc phạm vị điều chỉnh của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, Nghị định số 50/2021/NĐ-CP xác nhận được điều chỉnh tiến độ gia hạn thời hạn hoàn thành công trình do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 (nếu có) nhằm tránh cho nhà thầu xây dựng, nhà thầu tư vấn bị phạt hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại do nguyên nhân của dịch bệnh Covid-19.

 
 

Trong văn bản đề xuất, VECAS cũng đưa ra phân tích về các quy định pháp luật liên quan hợp đồng xây dựng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đấu thầu hiện nay chủ yếu áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xác lập và quản lý thực hiện hợp đồng xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vống nhà nước ngoài đầu tư công và hợp đồng xây dựng giữa doanh nghiệp dự án PPP với các nhà thầu xây dựng thực hiện các gói thầu thuộc dự án PPP. Vì vậy, VECAS cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét các chính sách đối với nguồn vốn khác để giảm thiểu bồi thường thiệt hại và phạt hợp đồng đối với các nhà thầu xây dựng, tư vấn xây dựng và nhà cung cấp vật liệu do nguyên nhân xuất phát từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Với những đề xuất trên, Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam hi vọng sớm được tháo gỡ khó khăn và tin tưởng, quyết tâm, đồng lòng cùng Chính phủ thực hiện linh hoạt, có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa nỗ lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2021.

 
CCBM (TH/ Xây dựng)
Bình luận
Tin liên quan