Tháo gỡ khó khăn trong công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại các DN xây dựng

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành là một trong những nội dung được Bộ Xây dựng xác định là mục tiêu quan trọng trong quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, công tác này đã và đang tồn tại nhiều vấn đề cần tập trung tháo gỡ. Đến nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem); thẩm định, phê duyệt xong toàn bộ các đề án tái cơ cấu của các Tổng Công ty 100% vốn Nhà nước trực thuộc Bộ.

Việc tái cơ cấu các Tổng Công ty thuộc Bộ Xây dựng tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính như xây lắp, tổng thầu hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC), đầu tư BĐS, vật liệu xây dựng, đầu tư và kinh doanh thủy điện, cơ khí xây dựng…  Đồng thời kiên quyết thoái vốn tại các ngành không thuộc ngành nghề kinh doanh chính như khách sạn, du lịch, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.

Tiến độ thoái vốn chậm

Ông Đặng Văn Long (Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Xây dựng) cho biết theo lộ trình, đến hết năm 2015, số lượng DN có vốn góp của 14 Tổng Công ty thuộc Bộ sẽ giảm từ 402 DN xuống còn 239 DN. Trong đó, thoái toàn bộ vốn góp tại 158 DN với tổng giá trị 5.025,78 tỷ đồng (bằng 18,33% tổng số tiền đầu tư vào các DN khác); phá sản, giải thể, chuyển giao 3 DN và sáp nhập 13 DN.

Trong năm 2013, Bộ Xây dựng thoái vốn thành công tại 13/158 DN thuộc danh mục thoái vốn với tổng giá trị là 380,46 tỷ đồng/5.025,78 tỷ đồng, đạt 7,57% kế hoạch. Bên cạnh đó, 18 khoản đầu tư với tổng giá trị 1.190,43 tỷ đồng (chiếm 23,69% kế hoạch thoái vốn) đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng phê duyệt, hiện cũng đang được triển khai.

Các Tổng Công ty đã giảm tỷ lệ góp vốn của Nhà nước tại một số đơn vị thông qua hình thức thoái một phần vốn góp hoặc tăng vốn điều lệ.


Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) giai đoạn 2013-2015.

Cụ thể, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) đã bán 22,37% vốn góp tại Công ty Cổ phần Thủy điện Srok Phu Miêng; Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HANCORP) giảm tỷ lệ vốn góp tại Công ty TNHH liên doanh xây dựng VIC từ 51% xuống 36%. Trong khi đó, Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) tăng vốn điều lệ tại 3 DN – công ty con; Vicem tăng vốn tại 2 DN.

Thực tế cho thấy, tình hình thực hiện thoái vốn vẫn chậm, mới chỉ hoàn thành 7,57% trên tổng số vốn cần thoái. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường chứng khoán ảm đạm cùng với những quy định “cứng” liên quan đến việc thoái vốn dưới mệnh giá, các DN đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản, mới đi vào hoạt động chưa có lãi hoặc có lỗ lũy kế… đã làm tiến trình thoái vốn không đúng với kế hoạch đặt ra.

Một số Tổng Công ty đã thực hiện bán đấu giá, nhưng không thành công do không có nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá. Các khoản đầu tư vào các công ty, dự án đang trong quá trình đầu tư nên không xác định được giá bán. Cùng với đó là đối tượng khách hàng bị hạn chế do các DN Nhà nước không được mua lại, chủ yếu là bán cho các thành phần kinh tế khác, tư nhân, nước ngoài.

“Thời gian xác định giá trị DN kể từ thời điểm chốt ngày xác định giá trị DN đến ngày công bố thường kéo dài từ 9-12 tháng cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn”, ông  Đặng Văn Long cho biết thêm.

Hoàn thành kế hoạch thoái vốn trong năm 2015

Ông Đặng Văn Long cho biết mục tiêu tái cơ cấu các DN thuộc Bộ Xây dựng năm 2014 là thực hiện được 50% kế hoạch thoái vốn, sáp nhập DN; hoàn thành việc sắp xếp lại mô hình tổ chức các công ty mẹ; hoàn thành 100% kế hoạch thoái vốn và các mục tiêu sắp xếp, đổi mới DN trong năm 2015.

Theo thẩm quyền, Bộ Xây dựng sẽ kiên quyết xử lý các Tổng Công ty không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra, trong năm 2014, Bộ Xây dựng quyết tâm thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả DN đang kinh doanh có hiệu quả.

Bộ đã đề ra các giải pháp chỉ đạo quyết liệt triển khai cổ phần hóa đồng loạt 9 Tổng Công ty và điều chỉnh thời điểm xác định giá trị DN trong năm 2014 để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.

Cùng với đó, Bộ sẽ thường xuyên đôn đốc và phối hợp với các Tổng Công ty giải quyết những phát sinh trong quá trình tái cơ cấu, nhất là trong việc thoái vốn tại các khoản đầu tư kém hiệu quả, ngoài ngành nghề kinh doanh chính. Yêu cầu các Tổng Công ty Xây dựng kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu của các DNNN theo từng quý; rà soát và lập kế hoạch, lộ trình bán tiếp phần vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần xét thấy không cần thiết nắm giữ.

Nguồn: ximang.vn/Chinhphu.vn

Bình luận
Tin liên quan