6 định hướng phát triển bền vững

  

Ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Lòng tin của người dân, DN, nhà đầu tư vào thể chế, chính sách thị trường và pháp luật phần nào giảm sút, chưa tạo được động lực cho phát triển.

Những khó khăn trong năm 2013 còn tiếp tục phải giải quyết trong năm 2014, đó là tình trạng nợ xấu, sở hữu chéo chưa được cải thiện tích cực, thị trường bất động sản chưa hồi phục, sức mua yếu, tăng trưởng phụ thuộc vào đầu tư công, ngân sách bội chi lớn, tín dụng tăng trưởng chậm, giá trị gia tăng hàng xuất khẩu thấp…

Nhìn thẳng vào vấn đề, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh vào những điểm sau:

Một là, niềm tin đang dần trở lại trong xã hội, trong từng DN, tin vào đường lối, tin vào sức mạnh nội lực để cùng hành động vì sự phát triển của đất nước. Vì sự phát triển DN, Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm sai phạm.

Hai là, chúng ta quyết liệt cổ phần hóa DNNN, thoái vốn ngoài ngành. Năm 2014 và 2015 sẽ cổ phần hóa bằng được gần 500 DNNN. Như vậy, trong 2 năm tới phải làm bằng 4-5 lần 3 năm qua. Trước đây, mỗi năm chỉ cổ phần hóa được 12-13 DNNN. Cao nhất năm 2013 cũng mới được 74 DNNN. Tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ trong các DN sẽ giảm mạnh, trừ một số DN công ích, an ninh, quốc phòng.

Phương hướng sẽ bán vốn cao hơn hoặc ngang giá thị trường, có thể chấp nhận thấp hơn mệnh giá. Vấn đề quan trọng là cần đối tác cổ đông chiến lược có thế mạnh để đầu tư, kinh doanh hiệu quả hơn. Lãnh đạo DNNN có tư tưởng chần chừ, không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa sẽ chuyển việc làm khác.

Ba là, khơi thông huyết mạch kinh tế. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt, điều hành lãi suất phù hợp với lạm phát mục tiêu, tìm mọi biện pháp để khơi thông nguồn vốn, khuyến khích sản xuất, kích thích tiêu dùng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, an toàn;

Tiếp tục cổ phần hóa các NHTM Nhà nước, nâng cao năng lực tài chính, uy tín và sức cạnh tranh, đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống NHTM, TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống. Tín dụng ưu tiên 5 lĩnh vực: xuất khẩu, nông nghiệp, DNNVV, công nghệ phụ trợ và công nghệ cao; Phục hồi thị trường bất động sản, không đặt vấn đề Nhà nước cứu thị trường bất động sản mà phải là sự điều tiết của thị trường. Nghiên cứu bổ sung, sửa đổi chính sách nhằm đẩy mạnh việc giải ngân gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng.

Bốn là, năm 2014, trọng tâm sẽ là đột phá về cải cách thể chế hành chính. Bởi đột phá này không đòi hỏi lớn nguồn vốn vật chất, chỉ đòi hỏi vốn con người; Tạo mọi điều kiện cho người dân và DN bằng việc tạo dựng các thể chế khơi thông nguồn lực, giải phóng lực lượng sản xuất để phát triển, như vậy sẽ có lan tỏa ra các đột phá khác.

Để làm được điều đó phải triệt để tăng cường cải cách thể chế hành chính, tạo động lực nhưng phải có áp lực trách nhiệm đối với các cơ quan thực thi chính sách, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, từ đó mới tạo niềm tin cho người dân. Tăng cường cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính sao cho nhanh, rõ ràng, minh bạch.

Năm là, tạo chuyển biến mạnh trong cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Việt Nam là đất nước có tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp mà ít nơi có. Nông nghiệp còn chiếm 25% GDP, giá trị xuất khẩu ngành này chiếm tới 25% tổng kim ngạch cả nước, lao động chiếm tới 50% tổng số, dân số khu vực này khoảng 65% so với cả nước.

Trong xây dựng nông thôn mới cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Riêng các DN cần có kế hoạch mạnh mẽ, thiết thực hơn. Thời gian tới tiến hành những giải pháp đồng bộ cho phát triển nông nghiệp như công nghệ cao, tổ chức liên kết theo chuỗi giữa người dân, DN… tạo điều kiện tiết giảm chi phí, tăng thu nhập cho người nông dân.

Sáu là, Nhà nước xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ DN, đồng thời các DN chủ động vươn lên để thích ứng với điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Những được và mất 5 năm qua là kinh nghiệm quý để chúng ta tiếp tục hội nhập trên tinh thần vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

Bình luận
Tin liên quan